Thành phố phía Đông

Thành phố phía Đông
15 giờ trướcBài gốc
Váng chiều ở thành phố Long Khánh. Ảnh: LÒ VĂN HỢP
Những tia nắng ban mai ngày mới chiếu lên nền trời xanh thẫm lấm chấm mấy gợn mây trắng trong ảo mờ hình rẻ quạt khổng lồ những đường gân. Lúc còn mờ sương giăng, hình rẻ quạt khổng lồ ấy là những đường sẫm đỏ. Chỉ loáng sau, lại phơi màu đỏ tươi, rực rỡ, rồi tan loang ra thành những hạt nắng rơi xuống thành phố xanh cây trái bốn mùa.
Nắng trong thành phố chỉ nóng cực điểm ban trưa quá vãn sang chiều. Nắng mà vẫn gió. Buổi chiều, nắng nhạt dần, gió lên lá hát. Lá bạt ngàn xứ sở. Lá lao xao trên triền đồi. Lá xào xạc dưới thung sâu. Lá nhảy múa loang loáng hai bên đường. Lá như những đôi mắt biếc tình nhân yêu nhau đắm đuối. Và, lá ở những khu vườn quanh mỗi mái nhà rợp xanh màu diệp lục, những mái nhà ấy dù thấp thoáng cổ kính hay tầng cao, đơn sơ bình dị hay rực rỡ cao sang, đều có cây lá bao quanh mướt mát. Khi gió lên, bản tình ca của lá khi reo vui hoan ca, khi vỗ về an ủi. Cũng có khi dữ dội, rồi nồng nàn đưa hương hoa lan tỏa muôn nơi.
Xứ sở trù phú đất trời ưu đãi khí hậu ôn nhu cho hai mùa mưa nắng. Đất bazan phong hóa thổ nhưỡng một màu đượm nắng, quạnh đỏ, xốp tơi, bện quyện, nồng nàn. Chỉ cần bàn tay con người siêng năng vun xới, hạt giống gieo xuống nẩy mầm, cây lớn lên tỏa bóng, đơm hoa, cho trái đầy cành, mùa nào thức ấy. Cam, bưởi, xoài, chôm chôm, nhãn, mãng cầu, thanh long, chuối, thơm, mít ngọt…
Đặc sắc vùng này vẫn là sầu riêng. Ai đã đặt tên cho loài cây sầu riêng? Phải chăng từ xứ sở Mã Lai nơi quê hương sầu riêng có truyện cổ tích về mối tình ngang trái giống câu chuyện về sự tích trầu cau? Hay tên khoa học của một loài quả có gai mít nhọn, có múi theo lườn, có mùi thơm đặc trưng, có màu vàng nhạt và vị ngọt, béo, bùi… với tên gọi Dourian, được gọi trại đi thành chữ Dâu-riang, phiên sang tên tiếng Việt là sầu riêng!? Dẫu tên gì thì đó vẫn là một loài cây trái để lại trong lòng người trồng sầu riêng cả nụ cười lẫn nước mắt, nhất là khi nó đã trở thành thương hiệu, hàng hóa. Trong khi người thưởng thức nó lần đầu không mấy dễ dàng. Lần sau và sau nữa, lâu dần thành nghiện.
Trái tim khối óc và đôi tay gầy dựng lại, bồi vun cho mảnh đất cây trái bốn mùa thêm xanh tươi.
Xưa, đất này là vùng hoang dã. Người Việt cổ sớm tìm đến trú ngụ, sinh sống như vệt cày đầu khai phá rừng hoang. Cây cối tự nhiên bạt ngàn xanh xứ sở. Thú hoang coi đó như mái nhà chung, sống ung dung tự tại cùng con người. Nhiều di chỉ khảo cổ quần thể di tích mộ cổ Hàng Gòn là những thông điệp, những câu chuyện kể mà chưa ai khám phá tường tận những ẩn giấu bên trong. Những câu hỏi hóc búa không dễ gì trả lời về nguồn cội, phương thức di trú, sinh tồn, về sức mạnh chủ nhân trong những di chỉ ấy của người Việt cổ, dù thời gian phong hóa, khai quật ngót trăm năm nay. Hầu hết chỉ mới biết sơ bộ đó là vùng đất người Việt cổ đến đây khai phá, lưu tồn.
Đất nuôi người lớn lên. Nơi đây không chỉ có người Việt cổ bản địa. Trải bao thiên biến thăng trầm lịch sử, người tứ xứ cũng về đây khai mở đất đai. Câu thơ Từ độ mang gươm đi mở cõi hẳn chỉ để nói khai phóng rừng cây, sình sạp, đầm lầy nhiều muông thú xứ Nông Nại thôi. Hay chỉ bóng gió về “vũ khí” phòng thân của con người bé nhỏ trước thiên nhiên hoang dã! Lẽ nào mang gươm đi gây chiến với ai!? Không hoàn toàn là đánh nhau “mạnh được, yếu thua” để chiếm giữ cho riêng mình mà triệt tiêu kẻ đối địch, dù rằng lịch sử cũng không bỏ qua và chối cãi điều này. Không dễ gì cách nay 327 năm, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn giao phó chiêu mộ lưu dân và an dân, định tên ấp tên xã tên làng, dựng phên giậu trấn biên một vùng rộng lớn. Cũng cách đây hơn hai trăm năm, không dễ gì danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức trình tấu bản Gia Định thành thông chí, ghi chép về cương thổ, lịch sử, địa lý, phong thủy, phong tục, con người nguồn cội xứ sở. Quá trình định cư cũng là định canh, xác lập tên gọi, xác lập chủ quyền như lẽ thường thấy xưa nay trong đạo đất trời.
Thế mà người Pháp mang danh khai hóa văn minh, khai thác thuộc địa bằng chính sách thực dân, bóc lột đến tận xương tủy người bản xứ. Họ bắt dân ta chặt rừng mở đất trồng cao su, lập đồn điền khu vực rộng lớn này thành những dòng nhựa trắng ứa ra từ thân cây trộn lẫn dòng máu đỏ người da vàng bản xứ đưa về nuôi mẫu quốc. Họ biến nơi đây thành chốn thiên đường nghỉ dưỡng cho giới quý tộc, quan cao cấp từ Sài Gòn ra, từ miền Trung vào mỗi dịp cuối tuần!
Những tàn dư còn sót lại là những ngôi biệt thự cổ rêu phong, những nhà thờ đá mốc thếch, những cây cầu và bạt ngàn rừng cao su cằn cỗi. Không phủ nhận đất nuôi cây nuôi người, nhưng người Pháp bại trận cuốn theo tài nguyên và sản vật. Ai đó nói rằng chính sách khai hóa văn minh đã mở mang nhiều thứ và để lại nhiều công trình? Họ đâu hiểu rằng bản chất cố hữu chính sách thực dân mẫu quốc là, khai thác kiệt cùng của cải, cai trị, bóc lột và đồng hóa dân tộc An Nam, làm tôi tớ kiếp ngựa trâu cho chúng? Vẫn còn đó máu và nước mắt quánh đặc của công nhân đồn điền, những roi kiếm và dụng cụ tra tấn và những nấm mồ phu; vẫn còn đó những vết đạn cày xước, những họng khẩu đại bác gỉ sét cùng tuế nguyệt. Có người đề xuất xếp hạng, trùng tu, khai thác du lịch những công trình kiến trúc này? Nếu điều kiện có thể, chúng ta đã lãng phí. Vì đó là mồ hôi, công sức, là máu của người Việt làm nên, nhưng nhất định không thể trùng tu, tôn tạo những kí ức ám ảnh ấy của một thời đau thương.
Pháp đi rồi thì Mỹ xâm lăng. Hơn hai mươi năm có lẻ, vùng đất cây trái bốn mùa thêm lần nữa bị dày xéo còn tàn khốc hơn lần trước. Những gì mới diễn ra cách nay sáu bảy chục năm, sử sách đã ghi chép lại hết rồi, tội ác của Mỹ ai có thể quên? Đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai lập nên chế độ bù nhìn, cắt đôi đất nước, cách núi ngăn sông, chia loan rẽ thúy, gây bao đau thương tang tóc lên người dân vô tội trên xứ sở cây trái bốn mùa này! Sau hơn hai mươi năm kiên quyết kiên trì đấu tranh, bằng ý chí kiên cường bất khuất “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bằng những phương thức sắc bén thông minh, bằng sức mạnh đại đoàn kết vô song, lòng gan dạ dũng cảm và tài thao lược, xoay chuyển tình thế chớp thời cơ đúng lúc, đòn đánh quyết định cuối cùng của cánh quân mặt trận hướng Đông từ 5h40 sáng ngày 9-4 đến hết ngày 21-4, mở toang “cánh cửa thép”, xốc tới sào huyệt cuối cùng, buộc kẻ địch đầu hàng vô điều kiện, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông, đất nước ta nối liền một dải.
50 năm trôi qua, dù đất này chưa lành vết sẹo, nhiều thân cây còn đó những mảnh đạn bom găm, nhiều đạn bom chưa kịp nổ nằm đâu đó trong lòng đất đá núi, hàng trăm ngôi mộ quân giải phóng chưa biết tuổi biết tên, nhưng người dân chung lòng “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, đôi mắt hòa bình tha thứ cho những lỗi lầm, chữa lành vết sẹo, hàn gắn đau thương trong đôi bàn tay nhân ái. Một dân tộc yêu chuộng hòa bình dựng lên tượng đài không chỉ để ghi nhớ chiến thắng mà còn nhắc nhở đời sau những người từng một thời bên kia chiến tuyến chớ phạm sai lầm. Đài tưởng niệm và đền thờ liệt sĩ dựng lên để vong linh những người đã khuất tìm về trú ngụ. Những hàng bia mộ nghi ngút khói hương trong ngày giỗ trận, tiếng chuông hòa bình đồng vọng thức tỉnh lương tri.
Đi trong chiều nhạt nắng trên đường phố bốn mùa cây trái, lòng bùi ngùi thương nhớ người xa khuất trên mảnh đất ngàn xưa, nhất là những người hy sinh cho non sống thống nhất, cho hòa bình mãi mãi, cho đất này nở hoa kết trái ngọt ngào. Vài tia nắng sót lại quyện trong gió chiều giữa bạt ngàn xanh lá, tiếng lá xạc xào giai điệu tình ca mùa xuân yêu thương, mùa xuân xứ sở cây trái bốn mùa.
Tùy bút của NGUYỄN MINH ĐỨC
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/thanh-pho-phia-dong-35a4b12/