Thành phố Sáng tạo UNESCO: Từ cam kết đến thực tiễn

Thành phố Sáng tạo UNESCO: Từ cam kết đến thực tiễn
10 giờ trướcBài gốc
Người dân và du khách giao lưu với các nghệ sĩ quốc tế.
Ngược miền… khát vọng
Năm 2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Đà Lạt chính thức gia nhập UCCN trong lĩnh vực âm nhạc. Ngay sau khi gia nhập, Đà Lạt lúc bấy giờ đã triển khai hàng loạt các giải pháp cụ thể, nhằm hiện thực hóa các cam kết đã đưa ra. Trong đó, trọng tâm là việc xây dựng một nền công nghiệp văn hóa lấy âm nhạc làm trung tâm, kết nối với các lĩnh vực khác như ẩm thực, điện ảnh, thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian.
Một trong những giải pháp nổi bật là việc thành lập các không gian sáng tạo, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ và người yêu âm nhạc được thỏa sức sáng tạo và giao lưu. Điển hình như Phố Bên Đồi, một không gian sáng tạo nghệ thuật đã trở thành điểm đến quen thuộc của giới trẻ và du khách. Ông Nguyễn Trung Hiền - nhà sáng lập và Giám đốc Phố Bên Đồi, chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một nền tảng kết nối giữa chính quyền địa phương, các chuyên gia, nghệ sĩ và các tổ chức trong nước và quốc tế, để cùng nhau lan tỏa thông điệp bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua các hình thức nghệ thuật”.
Bên cạnh Phố Bên Đồi là rất nhiều không gian âm nhạc, không gian sáng tạo khác như Cung đường nghệ thuật, những tụ điểm ca nhạc giải trí dành cho nhiều đối tượng như: Mây Lang Thang, Lululola, Stop and Go Art Space, Hey Storm Art Space...
Đà Lạt cũng chú trọng tổ chức các sự kiện âm nhạc mang tầm quốc tế, với những kế hoạch dự định như Festival Âm nhạc Quốc tế LangBiang, Hòa âm Cồng chiêng Đông Nam Á; Thanh âm của đại ngàn… nhằm quảng bá hình ảnh và thúc đẩy mạnh việc đầu tư vào giáo dục âm nhạc, đào tạo các tài năng trẻ, nhằm đảm bảo sự kế thừa và phát triển của nền âm nhạc.
Những thách thức và cơ hội
Tuy nhiên, hành trình hiện thực hóa các cam kết với UCCN của Đà Lạt hiện nay không hề dễ dàng. Với việc thành lập chính quyền hành chính 2 cấp từ ngày 1/7/2025, đơn vị hành chính “TP Đà Lạt” đã không còn, thay vào đó, hình thành 5 đơn vị hành chính cấp phường. Sự thay đổi này đòi hỏi Đà Lạt phải có những điều chỉnh linh hoạt, sáng tạo để duy trì tư cách pháp nhân của “thành phố âm nhạc trong UCCN”.
Hiện nay, nhiệm vụ này đã được giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào để duy trì sự đồng bộ và hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khi mà bộ máy hành chính có sự thay đổi vẫn đang được nghiên cứu, đề xuất.
Việc tham gia UCCN là cơ hội, nhưng cũng là trách nhiệm thúc đẩy sự sáng tạo, củng cố các ngành công nghiệp văn hóa và bảo đảm âm nhạc là nguồn động lực thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.
TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, bên cạnh những thách thức, vẫn có rất nhiều cơ hội để phát triển và giữ vững danh hiệu sáng tạo. Trước mắt, để tháo gỡ những khó khăn hiện tại, tỉnh cần đề nghị Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hướng dẫn liên hệ với UCCN tìm giải pháp duy trì tư cách thành viên. Đồng thời, cần tiếp tục chỉ đạo các phường thuộc thành phố Đà Lạt cũ kiên định triển khai các sáng kiến kèm theo lộ trình phát triển để không gian Đà Lạt trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa mới của tỉnh.
Ngoài những giải pháp này, tỉnh cần thành lập Ủy ban Tư vấn sáng tạo, vận hành Quỹ sáng tạo nhằm tiếp thêm động lực để các ngành công nghiệp văn hóa phát huy tối đa vai trò tạo đà cho kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Nguyễn Nghĩa
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/thanh-pho-sang-tao-unesco-tu-cam-ket-den-thuc-tien-382027.html