Thành phố sinh thái xanh hướng biển trong tương lai

Thành phố sinh thái xanh hướng biển trong tương lai
3 giờ trướcBài gốc
Tiên phong chuyển đổi
UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch 136/KH-UBND về Hành động tăng trưởng xanh TP Hà Tĩnh đến năm 2030. Đây là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh ban hành kế hoạch nhằm thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh về tăng trưởng xanh.
TP Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu phát triển theo hướng sinh thái xanh hướng biển, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm đề ra các giải pháp chiến lược phát triển TP Hà Tĩnh theo hướng sinh thái xanh hướng biển, thích ứng với BĐKH, có dịch vụ đa dạng, du lịch gắn với những giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, sinh thái đặc sắc; góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng và phát triển TP Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển KT-XH phù hợp với định hướng phát triển thành phố, đề án mở rộng địa giới hành chính, các chương trình, kế hoạch liên quan theo hướng xanh hóa; khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng sạch và tài nguyên, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giúp giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu. Nâng cao đời sống người dân, xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường; tạo ra nhiều việc làm mới từ quá trình xanh hóa thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp...
Mô hình dịch vụ sinh thái tổng hợp Thôn Trang - thôn Liên Nhật (xã Thạch Hạ) là mô hình kinh tế đô thị đa mục tiêu, vừa khai thác tối đa lợi thế để phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Các mục tiêu trụ cột đến năm 2030 gồm:
Xanh hóa các ngành kinh tế trọng điểm, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả thời kỳ 2021-2030 đạt trên 11%/năm, trong đó, kinh tế xanh, kinh tế số chiếm ít nhất 30% GRDP; thu nhập bình quân đầu người dẫn đầu toàn tỉnh và nằm trong nhóm đơn vị hành chính cấp huyện đạt khá của cả nước.
Cải thiện chất lượng, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm cường độ phát thải khí nhà kính. 100% hộ dân được cấp nước máy tập trung; 100% chất thải rắn sinh hoạt, 90% chất thải rắn công nghiệp được thu gom, xử lý. Tỷ lệ người dân phân loại rác tại nguồn đạt trên 90%; 100% khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường...
Phát triển hạ tầng đô thị xanh, không gian xanh theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH và xây dựng các vùng sinh thái có giá trị cao. 100% cơ sở y tế có hệ thống xử lý rác thải và nước thải đạt tiêu chuẩn; trên 95% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn; có 2 công trình xanh được chứng nhận; tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 25%, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng đạt ít nhất 5%. Tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị thành phố đạt 12 m2/người...
Xanh hóa các hành vi lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Triển khai ít nhất 5 chương trình hành động vì tương lai xanh với sự tham gia của toàn bộ người dân thành phố; tỷ lệ người dân thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện giao thông ít phát thải đạt ít nhất 20%; 100% cán bộ quản lý đô thị các cấp đã được đào tạo bồi dưỡng về tăng trưởng xanh; chỉ số phát triển con người (HDI) dẫn đầu toàn tỉnh và nằm trong nhóm các đơn vị hành chính cấp huyện đạt khá của toàn quốc.
Với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, TP Hà Tĩnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, gắn với chức năng, nhiệm vụ phát triển KT-XH tại các địa phương, đơn vị; tăng cường sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Nhân dân nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn; xác định thứ tự ưu tiên gắn với khả năng huy động nguồn lực.
Hành trình dài bắt đầu từ những hành động đầu tiên
Đề án phát triển TP Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2025 xác định, xây dựng và phát triển thành phố có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các sở, ngành lập quy hoạch chung đô thị Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2045. Trong đó, định hướng xây dựng đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh thân thiện môi trường; lồng ghép các giải pháp ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH chung của thành phố…
Hạ tầng đô thị TP Hà Tĩnh được quy hoạch theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững.
Ông Tô Thái Hòa - Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết: “Thời gian qua, phòng đã nghiên cứu, mời chuyên gia tham vấn, từ đó tham mưu thành phố triển khai các cơ chế, chính sách; vận dụng, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp, chỉnh trang các hạ tầng trọng điểm, xử lý các bất cập về giao thông, thoát nước, ngầm hóa hệ thống điện và viễn thông; chỉnh trang đô thị; duy trì và phát triển các khu vực không gian xanh trong đô thị như: công viên, vườn hoa, không gian mở kết hợp với mặt nước sông, hồ điều hòa… Đặc biệt, định hướng phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, liên kết vùng; tiếp tục thúc đẩy tiến độ dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị ứng phó với BĐKH...".
Những giải pháp căn cơ, quyết liệt của chính quyền đã đưa lại hiệu quả tích cực, không chỉ cải thiện nhiều “nút thắt” đô thị mà còn tạo sự đồng thuận, hưởng ứng và chung tay của đại bộ phận Nhân dân.
TP Hà Tĩnh huy động các lực lượng ra quân trồng cây, cải tạo vùng sinh thái. Trong ảnh: Ủy ban MTTQ, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể hưởng ứng ra quân trồng cây "Vì một thành phố xanh" ở khu vực sông Đông (phường Thạch Linh).
Kinh tế đô thị chuyển hướng theo phát triển công nghệ cao, tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Cùng với các chính sách thu hút đầu tư, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi theo hướng xanh hóa phương thức sản xuất. Đặc biệt, các mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái đang từng bước khai thác tối đa tiềm năng giá trị, vừa cải thiện môi trường sinh thái tự nhiên. Hiện, thành phố đã thực hiện 5 dự án liên kết gồm: dự án liên kết nuôi hươu tại xã Thạch Bình, dự án liên kết trồng sen thực hiện ở 9 đơn vị phường, xã; dự án ứng dụng công nghệ mạ khay, cấy máy liên kết sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã, phường: Đồng Môn, Thạch Bình, Thạch Hạ, Đại Nài; dự án liên kết nuôi cua trong hộp; dự án liên kết sản xuất rau củ quả an toàn gắn với chế biến bột rau củ tại Đồng Môn, Thạch Hạ, Thạch Hưng, Văn Yên. Phương thức sản xuất mới mở ra hướng cho phát triển kinh tế cộng đồng bền vững.
Các chương trình trồng cây xanh, nạo vét mương thoát, chỉnh trang đô thị, cải tạo sinh thái được người dân tích cực thực hiện. Không chỉ 100.000 cây xanh đô thị, TP Hà Tĩnh đang từng bước hiện thực hóa “Sinh thái tự nhiên đô thị”, “Rừng trong đô thị”, “Thành phố công viên”... nhằm đảm bảo mục tiêu đạt tỷ lệ diện tích xanh; đồng thời chuyển đổi ý thức, lối sống người dân đô thị.
Hội LHPN thành phố hướng dẫn hội viên thực hành sản xuất phân hữu cơ bằng vi sinh bản địa IMO.
Xanh hóa hành vi, lối sống, tuổi trẻ thành phố cũng tích cực nhập cuộc với nhiều hành động ý nghĩa.
Anh Nguyễn Phi Khanh - Bí thư Thành đoàn cho biết: “Với tinh thần xung kích tuổi trẻ, Thành đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển xanh theo từng năm, gắn với nội dung công tác đoàn và công tác thiếu nhi trên địa bàn; phát động các đợt thi đua cao điểm ra quân trồng cây xanh, cải tạo khu vực sinh thái, làm vệ sinh môi trường, tuyên truyền giảm rác thải nhựa… gắn với chiến dịch tình nguyện hè, tình nguyện mùa đông, ra quân xây dựng đô thị văn minh; duy trì thường xuyên hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh”… Từ đầu năm đến nay, tuổi trẻ thành phố đã tham gia trồng 15.000 cây xanh; 6 đợt ra quân thực hiện bảo vệ môi trường... tạo sức lan tỏa lớn gắn với giáo dục ý thức của ĐVTN về xây dựng thành phố xanh cho tương lai”.
N.O
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/thanh-pho-sinh-thai-xanh-huong-bien-trong-tuong-lai-post275510.html