Phối cảnh công trình trọng điểm ở thành phố Thanh Hóa.
Kế thừa, phát huy truyền thống kết nghĩa, trợ giúp nhau trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước, thời gian qua cùng với quy hoạch, xây dựng Công viên Hội An có diện tích 24ha, thành phố Thanh Hóa và thành phố Hội An phỏng dựng một số khu phố cổ, đơn nguyên kiến trúc đặc trưng, khu trưng bày biểu trưng, đôi cột trụ gắn phù điêu, điêu khắc, các đồ gốm, hiện vật xứ Quảng; đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần, giới thiệu ẩm thực xứ Thanh và Quảng Nam, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, hấp dẫn du khách.
Phố cổ Hội An được phỏng dựng tại thành phố Thanh Hóa.
Năm nay, thành phố Thanh Hóa tiếp tục thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp hơn 19 ha Công viên Hội An có tổng mức đầu tư hơn 176 tỷ đồng, thực hiện đồng bộ các hạng mục công trình theo quy hoạch nhằm phát huy giá trị văn hóa, tạo điểm nhấn về không gian cảnh quan, kết nối hài hòa với kiến trúc, cảnh quan tổng thể của đô thị.
Theo đó chủ đầu tư, nhà thầu tạo lập các khu vực cây xanh, cảnh quan theo chủ đề, khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, hoàn thiện 5 khu chức năng trên thực địa. Công viên được tổ chức tách biệt khu tĩnh và khu động nhưng bố trí xen kẽ khu cây xanh, đường dạo, vườn tượng kết hợp một số hoạt động tích hợp, tăng hấp dẫn, đáp ứng vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa của các tầng nhân dân.
Phía sau Khu văn hóa, tưởng niệm Bác Hồ có thêm thảm luồng trồng, kết nối với các loài thực vật trong công viên, tạo không gian tĩnh cho công trình tôn vinh, tri ân vị cha già dân tộc.
Trong không gian giao lưu văn hóa Thanh Hóa-Hội An, ngoài giữ nguyên hiện trạng nhà lưu niệm kỷ vật Thanh Hóa-Hội An, Chùa Cầu, bổ sung thêm phiên bản dãy phố cổ Hội An khu vực hai bên đầu Chùa Cầu, quy hoạch hệ thống vườn hoa, cây xanh theo chủ đề giao lưu Thanh Hóa-Hội An, trồng mới cây xanh đặc trưng của tỉnh Quảng Nam như Pơmu, huỳnh đàn, gió trầm, sưa vàng.
Khu lâm viên kết hợp đường dạo phục vụ khám phá, tìm hiểu thực vật đặc trưng ở tỉnh Thanh Hóa như: Lát hoa, lim xanh, săng lẻ, kè, luồng và bố trí các cụm nghệ thuật xen kẽ trong công viên. Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công thêm gò đất cao trồng cỏ, tái tạo thảm hoa, tạo không gian check-in trong không gian xanh, thân thiện môi trường, đa dạng các loài hoa khoe sắc bốn mùa.
Bên tuyến đường đi bộ là những hàng cây lá nhỏ, dáng thanh cao, trồng cây hoa ban tím hai bên đường, kết nối không gian văn hóa, gợi nhớ về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 lịch sử cùng đóng góp của hậu phương lớn Thanh Hóa, hiện thực hóa hợp tác khai thác lợi thế du lịch Thanh Hóa-Điện Biên.
Lương Ngọc Minh, cán bộ quản lý dự án ghi nhận nhà thầu thi công nhanh, đã đạt hơn 90% khối lượng công việc, phấn đấu hoàn thành dự án dịp Tết dương lịch năm 2025. Dự án cải tạo, nâng cấp công viên lần này còn hiện thực hóa quy hoạch khu công viên thể thao, gồm nhà điều hành, thi đấu thể thao, trung tâm thể dục thẩm mỹ, thể hình; dành các khu vực, trang bị các dụng cụ, thiết bị phục vụ hoạt động thể thao ngoài trời không thu phí cho nhân dân tập luyện, rèn luyện thể chất, quy hoạch lại hệ thống cây xanh kết hợp khu dã ngoại, hoạt động ngoài trời, sân đa năng phục vụ tổ chức các sự kiện…
Công viên Hội An hiện là thành điểm đến thường nhật của nhân dân thành phố Thanh Hóa.
Qua khảo sát thực địa và báo cáo của chủ đầu tư, dự án cải tạo, nâng cấp Công viên Hội An khả năng rút ngắn được thời gian thi công, sớm hoàn thành, đưa vào khai thác. Công viên Hội An còn được bổ sung thêm các công trình phòng cháy, chữa cháy, đài phun nước, hệ thống tưới tự động.
Bao quanh công viên là cây chè mạn được trồng thành hàng rào xanh cùng hệ thống điện chiếu sáng tầm thấp tôn vinh các công trình văn hóa, khối kiến trúc, mỹ thuật trong công viên, gắn kết với các khu dân cư, trung tâm thương mại, dịch vụ đô thị khu vực này.
Tuy nhiên, cần quan tâm chỉnh trang, tu bổ thêm đoạn sông Nhà Lê phía đông công viên, khai thác lợi thế không gian mở cho các hoạt động của cộng đồng. Đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng hiện công viên là điểm đến hằng ngày của nhân dân thành phố Thanh Hóa và du khách.
Cán bộ kỹ thuật lấy cốt nền cho phương tiện cơ giới thi công hạng mục công trình ở thành phố Thanh Hóa.
Những ngày này, trên công trường xây dựng Cung văn hóa thiếu nhi và Trung tâm thể dục thể thao thành phố Thanh Hóa có tới trăm công nhân cùng các phương tiện cơ giới, cần cẩu tháp đang đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục thành phần. Trúng thầu gần 200 tỷ đồng thi công xây lắp công trình trên mặt bằng rộng hơn 4ha tọa lạc ở Trung tâm hành chính, khu đô thị mới cơ bản đã hoàn thành, đã đưa vào sử dụng; đi đôi với chấp hành nghiêm các quy định phòng cháy chữa cháy, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động, Tổng Công ty cổ phần miền Trung lựa chọn thời điểm, các giải pháp thi công hợp lý nhằm giảm bụi, tiếng ồn.
Ngoài hệ thống tường tôn, rào kín bao quanh, các phương tiện vận tải vào, ra công đường đều được rửa sạch, duy trì phun nước, quét dọn đường đô thị. Nhà thầu ép cọc bê-tông ly tâm, tạo đế móng âm, thi công móng nổi theo thiết kế; sử dụng hệ thống giàn giáo vững chắc, thang máy vận hành; phân công, bố trí lao động, điều hành các mũi thi công phù hợp với yêu cầu thực tế trên công trường. Với gói thiết bị, nhà thầu chủ động, sớm đặt hàng đối tác ở nước ngoài, bảo đảm phù hợp với tiến độ thi công xây dựng nhằm hoàn thiện đồng bộ dự án.
Chỉ huy trưởng trên công trường Bùi Văn Tình cho hay: Ngoài 5 cán bộ giám sát, hiện hơn 10 kỹ sư luôn bám sát các mũi thi công, hướng dẫn kỹ thuật thi công các hạng mục theo thiết kế. Đến thời điểm này khối lượng thi công xây lắp đạt hơn 40% và đơn vị tiếp tục tăng tốc tiến độ thi công đi đôi với bảm đảm chất lượng, mỹ thuật công trình, phấn đấu hoàn thành dự án vào dịp 135 năm sinh nhật Bác Hồ, 50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Cán bộ quản lý, giám sát trao đổi về tiến độ, kỹ thuật thi công công trình trọng điểm ở thành phố Thanh Hóa.
Cùng với Công viên Hội An, Cung văn hóa thiếu nhi và Trung tâm thể dục thể thao thành phố Thanh Hóa đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, nhằm sớm đưa các công trình phúc lợi công cộng vào khai thác, đáp ứng nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Kiến trúc xây dựng chính ở Cung văn hóa thiếu nhi là tòa hợp khối 7 tầng, trong đó có nhà thi đấu đa năng phục vụ tập luyện, thi đấu nhiều môn thể thao với 300 chỗ ngồi.
Công trình trọng điểm này còn giải quyết nhu cầu cấp thiết, sớm hoàn thiện thiết chế giáo dục ngoài nhà trường, tạo cơ sở vật chất cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục, vui chơi giải trí, học tập của thanh, thiếu nhi thành phố Thanh Hóa, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển bền vững thành phố Thanh Hóa.
Chủ đầu tư thông tin, Dự án Cung văn hóa thiếu nhi và Trung tâm thể dục thể thao có các hợp phần kiến trúc mỹ thuật, khi hoàn thiện theo thiết kế sẽ trở thành điểm nhấn giữa lòng đô thị mới, kết nối hài hòa với không gian kiến trúc, các phân khu chức năng trong khu vực.
Hiện Dự án cầu vượt đường sắt bắc-nam và đường hai đầu cầu trên tuyến đại lộ Đông Tây ở thành phố Thanh Hóa có tổng mức đầu tư gần 666 tỷ đồng cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch được phê duyệt.
Cầu vượt đường sắt nằm trên đường cong lồi, trên cầu có tháp dây văng dạng cột ở dải phân cách giữa, gắn biểu tượng chim Lạc-Trống đồng, nối liền với đường hai đầu có tổng chiều dài 800m được trang trí mỹ thuật, hệ thống chiếu sáng, vỉa hè trồng cây xanh, tạo điểm nhấn kiến trúc trong đô thị.
Công trình kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, giảm ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 47 đoạn giao cắt với đường sắt bắc-nam, thuận lợi, an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Bí thư Đảng ủy phường Phú Sơn Mai Văn Xuân nhấn mạnh, dự án sớm hoàn thành phát huy hiệu quả kết nối mạng lưới giao thông, các khu đô thị phía đông và phía tây, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Thanh Hóa; đồng thời mở ra không gian phát triển mới cho phường Phú Sơn đi đôi với phát huy lợi thế trung tâm tổ chức sự kiện, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khu sinh thái hồ Đồng Chiệc, các siêu thị, loại hình dịch vụ đa dạng trên địa bàn.
Người lao động sơn bảo vệ các cột điện ở Công viên Hội An, thành phố Thanh Hóa.
Ngoài nguồn đầu tư công trung hạn, hiện thành phố Thanh Hóa đang triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực bốn công trình trọng điểm theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thanh Hóa. Ngân sách thành phố Thanh Hóa được hưởng 100% số thu từ tiền sử dụng đất từ 19 dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn thành phố nhưng có tổng thu không quá 7.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư 10 công trình dự án trọng điểm theo phân kỳ đầu tư.
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây thành phố Thanh Hóa Ngô Đức Nam trao đổi: Được hưởng lợi cơ chế, chính sách đặc thù, thành phố có nguồn xây dựng các công trình trọng điểm, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, chỉnh trang, phát triển đô thị, tạo cảnh quan môi trường, điểm nhấn nổi bật cho bộ mặt trung tâm đô thị tỉnh lỵ; đồng thời tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đây cũng là giải pháp phát huy nội lực thực hiện Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, hiện đại, là một trong năm thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực bắc trung bộ.
MAI LUẬN