Thành phố Thủ Đức sẽ được quy hoạch thành 9 phân khu. Ảnh: TL
Thủ Đức được định hướng trở thành một thành phố hiện đại, thông minh và năng động, đóng vai trò dẫn đầu trong việc phát triển kinh tế của cả TPHCM và khu vực Đông Nam Bộ với hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi, đảm bảo tiêu chuẩn đô thị loại I, hỗ trợ phát triển hạ tầng số và đô thị thông minh, baochinhphu.vn đưa tin.
Dự kiến đến năm 2030, đất xây dựng toàn đô thị Thành phố Thủ Đức khoảng 16.200-16.500 héc ta. Trong đó, đất dân dụng khoảng 12.000-12.200 héc ta, quy mô dân số khoảng 1.500.000-1.825.000 người.
Theo quy hoạch, thành phố Thủ Đức phát triển trung tâm tài chính quốc gia tại khu đô thị Thủ Thiêm, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa dịch vụ tài chính và hệ thống hạ tầng hiện đại, đầu tư khu dịch vụ thương mại, hội chợ, triển lãm gắn với các trọng điểm phát triển và đầu mối giao thông công cộng.
Quy hoạch thành phố Thủ Đức cũng đặt mục tiêu nâng cấp khu công nghệ cao, xây dựng công viên Khoa học và Công nghệ 194,8 héc ta tại phường Long Phước.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp và logistics, thành phố Thủ Đức sẽ chuyển đổi 4 khu công nghiệp hiện tại thành các trung tâm sản xuất công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống logistics sẽ được hoàn thiện với các trung tâm hiện đại, kết nối hiệu quả với cảng biển và hệ thống giao thông.
Thành phố cũng được chia thành 9 khu vực phát triển với vai trò và quy mô riêng. Cụ thể, phân vùng 1, gồm phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Thảo Điền và một phần các phường An Khánh, An Phú, là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, gắn với cảnh quan ven sông Sài Gòn, kết nối với trung tâm TPHCM.
Phân vùng 2, gồm phường Hiệp Bình Chánh và một phần các phường Linh Đông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Tam Bình, là trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại, cửa ngõ của thành phố, gắn với bến thủy du lịch.
Phân vùng 3, gồm phường Linh Tây, Linh Chiểu, Bình Thọ, Linh Trung, Bình Chiểu, Linh Xuân và một phần các phường Tam Bình, Tam Phú, Linh Đông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước, là khu đô thị hiện hữu gắn với đào tạo và sản xuất, dịch vụ trung chuyển.
Phân vùng 4, gồm phường Long Bình và một phần các phường Tân Phú, Long Thạnh Mỹ, là trung tâm văn hóa, giải trí, công nghiệp cảng và hậu cần, cửa ngõ phía Đông kết nối Biên Hòa.
Phân vùng 5, gồm phường Long Phước và một phần các phường Trường Thạnh, Long Trường, là trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, cửa ngõ kết nối sân bay Long Thành.
Phân vùng 6, gồm phường Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái, Bình Trưng Đông, Phú Hữu, được quy hoạch để phục vụ dịch vụ cảng, công nghiệp, logistics.
Phân vùng 7, gồm phường Bình Trưng Tây và một phần các phường An Khánh, An Phú, Phú Hữu, Bình Trưng Đông, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi, là trung tâm hiện hữu, kết nối các khu vực của thành phố gồm cảng và trung tâm tài chính Thủ Thiêm.
Phân vùng 8, gồm phường Phước Long A, Phước Long B, Phước Bình và một phần các phường An Phú, Tăng Nhơn Phú B, Phú Hữu, là trung tâm thể dục thể thao quốc gia, văn hóa, giải trí, đô thị mới và hiện hữu.
Phân vùng 9, gồm phường Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B và một phần các phường Phước Long B, Tân Phú, Long Thạnh Mỹ, Trường Thạnh, Long Trường, Phú Hữu, là trung tâm sản xuất công nghệ cao, đô thị phụ cận.
Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố Thủ Đức huy động nguồn lực đầu tư các dự án ưu tiên, bao gồm hạ tầng kỹ thuật, giao thông công cộng, khu trọng điểm, phát triển công nghệ cao, kinh tế sáng tạo, khu TOD, công viên, cải tạo khu dân cư, và hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, nhà ở xã hội.
UBND TPHCM chủ trì công bố, lưu trữ quy hoạch được duyệt. UBND thành phố Thủ Đức hoàn thiện hồ sơ quy hoạch chung đến năm 2040, gửi Bộ Xây dựng xác nhận và lưu trữ.
Thành phố Thủ Đức có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện, lập và điều chỉnh các quy hoạch phân khu, chi tiết, thiết kế đô thị, đảm bảo phù hợp quy hoạch, rà soát dự án hạ tầng kỹ thuật, huy động nguồn lực từ ngân sách và vốn hợp pháp, xây dựng cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai cho các dự án ưu tiên.
Gia Nghi