Thành phố Yên Bái hướng đến chất lượng và giá trị cho sản phẩm nông nghiệp

Thành phố Yên Bái hướng đến chất lượng và giá trị cho sản phẩm nông nghiệp
6 giờ trướcBài gốc
Trên 800 hộ bị thiệt hại về nông nghiệp của xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái được hưởng chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 77 của HĐND tỉnh để khôi phục khoảng 120 ha hoa màu. Trong ảnh: Nông dân xã Tuy Lộc chăm sóc rau màu.
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do hoàn lưu bão số 3 gây ra, khiến giá trị thiệt hại mà ngành nông nghiệp thành phố Yên Bái phải hứng chịu ước trên 144 tỷ đồng; trong đó, nặng nề nhất là lĩnh vực chăn nuôi, ước thiệt hại khoảng 110,2 tỷ đồng.
Cũng bởi lẽ đó mà giá trị sản xuất của toàn ngành năm nay chỉ đạt gần 400 tỷ đồng, giảm 29,5% so với năm trước và bằng 73,2% kế hoạch; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và chăn nuôi thực tế có cho thu hoạch chỉ đạt 100 triệu đồng, giảm 34% so với năm trước và bằng 62,5% kế hoạch; sản lượng lương thực có hạt dự ước cả năm bằng gần 70% chỉ tiêu Chương trình hành động số 188-CTr/TU của Tỉnh ủy giao; tổng đàn gia súc chính theo đó cũng giảm tới 14,7% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản thành phố Yên Bái hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chưa đầy 2%) khi cơ cấu kinh tế của thành phố đang dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng đô thị, lấy công nghiệp, thương mại, dịch vụ làm trọng tâm. Với những định hướng rõ ràng khi tỷ trọng của ngành giảm dần, thành phố chú trọng phát triển hình thức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Trúc khẳng định: "Với việc xác định tỷ trọng cơ cấu ngành, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố bước đầu hình thành các chuỗi liên kết; triển khai sản xuất theo các quy trình an toàn cùng với dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hiện nay, thành phố đã xây dựng được 10 chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Năm 2024, thành phố tiếp tục có các hoạt động hợp tác với thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai trong phát triển các mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế; tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm OCOP của hai địa phương…
Các dự án phát triển nông nghiệp bước đầu tạo thu nhập ổn định cho người dân, đáp ứng một phần nhu cầu thị trường, tạo chuyển biến nhận thức của người dân trong việc thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn”.
Song song với đó, thành phố chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đã tổ chức nghiệm thu, giải ngân hỗ trợ 5 dự án chăn nuôi lợn nái quy mô từ 15 con trở lên với kinh phí hỗ trợ 190 triệu đồng đồng thời, sát sao chỉ đạo các địa phương xây dựng, phát triển 19 sản phẩm OCOP 3 sao; đánh giá lại 3 sản phẩm và nâng cấp 1 sản phẩm từ hạng 3 sao lên 4 sao; triển khai thực hiện Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025; đồng bộ các giải pháp phát triển theo đúng định hướng.
Năm 2024, thành phố chỉ đạo các xã, phường tập trung xây dựng 6 thôn NTM kiểu mẫu và đến nay các thôn đã đạt từ 15 - 17/17 tiêu chỉ. Hiện, thành phố có 27 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, nhìn vào nội tại ngành nông nghiệp thành phố có thể thấy những thách thức mới.
Bà Phạm Minh Phương - Giám đốc Trung tâm Dịnh vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố chia sẻ: định hướng phát triển đô thị với việc cơ cấu lại nền kinh tế, thành phố đặt quyết tâm rất cao. Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh, các công trình lớn, trọng điểm của tỉnh, của thành phố được quan tâm đầu tư phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nâng cao đời sống nhân dân. Song, thành phố cũng rất trăn trở khi điều kiện địa bàn các phường, xã vùng ven có những hạn chế về đất đai sẽ là rất khó để có thể triển khai các dự án chăn nuôi hay trồng trọt quy mô chừng một vài héc - ta...”.
Những năm tới, với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững theo hướng đô thị hóa, thành phố phấn đấu giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt 700 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng 5,3% năm.
Định hướng giải pháp phát triển, trước mắt tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các dự án phát triển sản xuất; đẩy mạnh thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất bảo đảm ổn định bền vững; xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Áp dụng quy trình VietGAP gắn với cơ sở giết mổ, chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, vệ sinh môi trường. Cùng đó, quan tâm nâng cao chất lượng quy mô các sản phẩm OCOP. Chương trình xây dựng NTM chú trọng hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn, phấn đấu 80% thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng 5,3% năm.
Thực tế cho thấy, việc thay đổi phương thức sản xuất, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn đã và đang góp phần tích cực nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng của toàn ngành; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng 44,8 triệu đồng năm 2020 lên 58,5 triệu đồng năm 2024; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 6,9% năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) trên địa bàn các xã giảm còn 0,65%.
Minh Thúy
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/12/343724/thanh-pho-yen-bai-huong-den-chat-luong-va-gia-tri-cho-san-pham-nong-nghiep.aspx