Thanh Sơn là huyện miền núi của tỉnh, diện tích tự nhiên 62.110,4ha, điều kiện địa hình chia cắt bởi nhiều sông, suối có độ dốc lớn; hạ tầng chưa đồng bộ, địa hình địa chất phức tạp, suất đầu tư các công trình cao; dân cư phân bố không đều, không tập trung. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng những chương trình dự án đầu tư có hiệu quả kết hợp với sự nỗ lực huy động ngân sách địa phương, sự đóng góp của Nhân dân và các doanh nghiệp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng được cải thiện.
Tuyến đường tỉnh 317C dài 3km từ xã Thắng Sơn (huyện Thanh Sơn) đi xã Hoàng Xá (huyện Thanh Thủy) được đầu tư và đưa vào sử dụng, góp phần đi lại thuận tiện và giao thương giữa hai địa phương.
Kết quả thực hiện công tác phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện, từ năm 2021 đến tháng 8/2024, đã có 20km đường làm mới; đường cải tạo, nâng cấp 71km; đường trục xã, liên xã được cứng hóa đạt 63,68%/74%. Đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt 54,66%/73%; đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 66,76%/76%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt 23,74%/69%; đường duy tu 8,2/12 km. Cầu làm mới 16 chiếc/192,0m; tràn làm mới 4 chiếc/196,0m; tràn sửa chữa 2 chiếc/110,0m, cống xây mới 230 chiếc/2231,35m... Ngoài ra, hoàn thành trên 33km đường bê tông xi măng để phát triển giao thông nông thôn, với tổng kinh phí thực hiện là 34,722 tỷ đồng.
Để có được kết quả đó, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã tích cực tham mưu giúp UBND huyện xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 2/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về Phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025 đồng thời đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết. Phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch; các phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tập trung tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia xây dựng, duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ các công trình giao thông trên địa bàn.
Đồng chí Vũ Trọng Đức - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: Hàng năm Phòng tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo trực tiếp, lồng ghép nội dung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong việc kiểm tra, giám sát, ký giao ước về bảo đảm an toàn giao thông ngay từ đầu năm; thường xuyên thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ các công trình giao thông trên địa bàn quản lý cụ thể như: Phát quang cây xanh che khuất tầm nhìn, khơi thống cống rãnh đảm bảo thoát nước, xử lý những vị trí bị xô, sạt ta luy nền đường khi trời mưa... Thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật tiến hành kiểm tra chất lượng công trình, kịp thời sửa chữa khắc phục hư hỏng các công trình trước, trong và sau mùa mưa bão.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý giao thông ở cấp huyện, cấp xã là rất cần thiết. Thường xuyên hướng dẫn cho cán bộ làm công tác quản lý giao thông ở cấp xã về việc quản lý, phân loại hiện trạng hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn; hướng dẫn việc quản lý hành lang an toàn giao thông đối với các tuyến đường quản lý.
Đồng thời, chất lượng tổng thể hệ thống công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện có trên địa bàn chủ yếu là đường cấp V, cấp VI... Vì vậy, các tuyến đường giao thông nông thôn trong thời gian qua đã được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, với nguồn vốn còn hạn chế, nhu cầu cứng hóa các tuyến đường lớn, nên nhiều tuyến vẫn chưa được vào cấp, xe quá khổ, quá tải làm hư hỏng các tuyến đường đặc biệt là các tuyến đường giao thông nông thôn của huyện, dẫn đến chất lượng đường còn xấu, xuống cấp. Các cầu trên các tuyến đường giao thông nông thôn đã được xây dựng từ lâu nên tải trọng cầu thấp, chưa đáp ứng được so với tải trọng xe vận tải hiện tại.
Đường giao thông nông thôn xã Sơn Hùng được đầu tư, nâng cấp luôn xanh, sạch, đẹp tạo nên diện mạo mới cho địa phương.
Những năm tới, huyện tiếp tục tăng cường quản lý, bảo dưỡng công trình sau đầu tư nhằm phát huy hiệu quả của công trình. Đẩy mạnh công tác quản lý kiểm tra, giám sát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình giao thông nông thôn, nhất là phát huy vai trò giám sát cộng đồng tại khu dân cư. Tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số... và huy động nguồn lực trong Nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Để từ đó, diện mạo giao thông nông thôn huyện Thanh Sơn ngày càng được khởi sắc.
Đinh Tú