Thanh toán B2B là chiến trường mới nổi của các ngân hàng châu Á

Thanh toán B2B là chiến trường mới nổi của các ngân hàng châu Á
5 giờ trướcBài gốc
Lĩnh vực thanh toán B2B đang trở thành chiến trường mới nổi của các ngân hàng châu Á.
Thanh toán B2B được hiểu là hoạt động trao đổi tiền tệ lấy hàng hóa hoặc dịch vụ giữa hai doanh nghiệp. Đây là giao dịch liên thương mại không liên quan đến người tiêu dùng. Thanh toán B2C đơn giản hơn nhiều so với giao dịch B2B. Quy trình xử lý thanh toán B2B có xu hướng liên quan đến số lượng lớn với hóa đơn giá trị cao. Quy trình phức tạp và mất khá nhiều thời gian để hoàn thành.
Theo Technode Global, nhu cầu nâng cao hoạt động thanh toán B2B của các ngân hàng được thúc đẩy bởi ba xu hướng chính.
Đầu tiên, chuyên gia dự đoán tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng ví kỹ thuật số đã đạt đến điểm cực đại, khi hơn 50% giao dịch mua hàng hiện nay đều thông qua ví điện tử. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp hướng đến người tiêu dùng phải thích nghi liên tục. Thứ hai, đa số công ty, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp SME, mong đợi nhiều hơn từ các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cho một số nhu cầu mở rộng hoạt động chẳng hạn như tài khoản ảo. Cuối cùng, quy định về thanh toán B2C ngày càng chặt chẽ, mở ra không gian khai thác đầy tiềm năng cho lĩnh vực thanh toán B2B.
THỊ TRƯỜNG THANH TOÁN B2B ĐANG Ở THỜI ĐIỂM THEN CHỐT
Nhìn chung, đây là thời điểm chín muồi để các ngân hàng thúc đẩy đà tăng trưởng trong hoạt động thanh toán B2B nhưng áp lực cạnh tranh cũng rất cao. Cơ hội dành cho giải pháp thanh toán B2B linh hoạt theo thời gian thực chưa bao giờ tiềm năng đến thế và các tổ chức tài chính ưu tiên thanh toán B2B có thể nắm giữ thị phần lớn.
Ví dụ, tại Nhật Bản, hàng nghìn tỷ USD giao dịch B2B diễn ra hàng năm, nhưng chỉ có 2% trong đó được xử lý thông qua hệ thống dựa trên thẻ. Tiềm năng chưa được khai thác rõ rệt của sản phẩm thẻ trong không gian doanh nghiệp đã tạo ra cuộc chạy đua giữa các ngân hàng Nhật Bản nhằm ra mắt nền tảng thanh toán phục vụ khách hàng tốt hơn. Điều này nhanh chóng trở thành xu hướng lan rộng khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi hệ thống thanh toán truyền thống có dấu hiệu tụt hậu so với nhu cầu của hầu hết doanh nghiệp hiện đại.
Thị trường thanh toán B2B đang đứng trước cơ hội phát triển chưa từng có nhưng rủi ro mang lại cũng rất cao.
Ngược lại, doanh nghiệp không chấp nhận thay đổi có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng cứ 5 khách hàng cá nhân trên toàn cầu thì có một người rời bỏ ngân hàng đăng ký tài khoản do dịch vụ kỹ thuật số không đầy đủ và thị trường B2B nhiều khả năng cũng đi theo con đường tương tự.
Đây không phải là thách thức hoàn toàn mới, nhưng rủi ro đang ở mức rất cao. Khi bất ổn kinh tế toàn cầu lắng xuống, khách hàng B2B cảm thấy tự tin hơn trong việc tìm kiếm đối tác dịch vụ tài chính, nhiều người tham gia mới sẽ tận dụng cơ hội để giải quyết nhu cầu chưa được đáp ứng của doanh nghiệp bằng giải pháp thanh toán hiện đại và hiệu quả, từ đó chiếm được thị phần đáng kể.
TIẾN HÀNH ĐỔI MỚI
Các công ty thanh toán toàn cầu như Visa và Mastercard đang cung cấp vô số ưu đãi hậu hĩnh cho nhóm ngân hàng nhằm áp dụng và cung cấp giải pháp B2B. Một số ngân hàng tại Thái Lan, Indonesia, Hồng Kông và Singapore đang khám phá các lựa chọn để duy trì khả năng cạnh tranh.
Thực tế, tình thế khó khăn đối với ngân hàng trong những năm gần đây là phải tìm cách cân bằng giữa độ tin cậy của hệ thống cũ với khả năng tùy chỉnh cao mà khách hàng yêu cầu, bao gồm cả nhóm khách hàng B2B.
Tuy nhiên, giải pháp không nhất thiết phải lựa chọn giữa việc duy trì bộ máy cũ ổn định nhưng không phù hợp hoặc tiến hành cải tổ hệ thống công nghệ một cách táo bạo. Thay vào đó, các ngân hàng có thể hình thành một giải pháp trung gian, nơi cơ sở hạ tầng công nghệ được cập nhật từng bước nhằm phát huy thế mạnh hiện có đồng thời giới thiệu nền tảng hiện đại hoạt động liền mạch với hệ thống trước đây.
TÀI CHÍNH NHÚNG
Ngoài việc cập nhật cơ sở hạ tầng công nghệ, các ngân hàng cũng cần tập trung tích hợp các dịch vụ vào hệ sinh thái mà khách hàng sử dụng.
Tài chính nhúng (chỉ sự tích hợp dịch vụ tài chính vào sản phẩm hoặc nền tảng của các công ty phi tài chính), dự kiến sẽ chiếm tới 15% doanh thu ngân hàng vào năm 2030, cung cấp cách tiếp cận giúp ngân hàng đưa dịch vụ trực tiếp vào nền tảng mà khách hàng doanh nghiệp đang sử dụng. Bằng cách nhúng dịch vụ tài chính vào mạng lưới phân phối, ngân hàng có thể khai thác luồng doanh thu mới và cung cấp giá trị lớn hơn cho khách hàng doanh nghiệp. Cách tiếp cận đã và đang thu hút sự chú ý tại một số thị trường trên khắp khu vực.
Ngành ngân hàng châu Á đang ở thời điểm chuyển giao, khi việc áp dụng nền tảng hiện đại và tập trung vào thanh toán B2B sẽ quyết định khả năng cạnh tranh trong tương lai. Nhóm ngân hàng đón nhận sự thay đổi sẽ trang bị được nền tảng vững chắc nhằm phát triển trong nền kinh tế ngày càng số hóa, trong khi nhóm kiên trì với hệ thống lỗi thời có nguy cơ bị đối thủ cạnh tranh am hiểu công nghệ hơn vượt mặt.
Rõ ràng, tương lai ngành ngân hàng trong khu vực sẽ được định hình bằng số hóa, cá nhân hóa và tài chính nhúng. Thông điệp dành cho thị trường rất rõ ràng: thích ứng với bối cảnh luôn luôn thay đổi hoặc có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Bảo Ngọc
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/thanh-toan-b2b-la-chien-truong-moi-noi-cua-cac-ngan-hang-chau-a.htm