Rút ngắn thời gian thanh tra trực tiếp tại địa phương
Trong năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục thực hiện các biện pháp đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn một số tồn tại và hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.
Một trong những điểm sáng trong công tác thanh tra, kiểm tra năm 2024 là sự đổi mới trong phương thức xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động thanh tra.
Theo đại diện Thanh tra Bộ Tài nguyên nguyên và Môi trường, trong năm 2024, thay vì tập trung vào các cuộc thanh tra diện rộng, Bộ đã chú trọng hơn vào các vấn đề trọng tâm, có tính chất cấp bách và đang được dư luận xã hội quan tâm, như các vi phạm trong quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường. Việc thay đổi cách tiếp cận này giúp giảm thiểu sự chồng chéo giữa các cuộc thanh tra, đồng thời tối ưu hóa thời gian và nguồn lực.
Một trong những thay đổi quan trọng trong công tác thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2024 là việc rút ngắn thời gian thanh tra trực tiếp tại các địa phương, giảm 40%-50% so với trước đây mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả và chính xác.
Những kết quả này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, mà còn giúp các cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng các vụ việc vi phạm, tránh để tồn đọng lâu dài, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Báo cáo của Thanh tra Bộ cho biết, năm 2024 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hơn 590 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm rõ ràng trong việc sử dụng tài nguyên, đất đai, và bảo vệ môi trường. Sự kịp thời và quyết liệt trong công tác thanh tra đã góp phần phát hiện và ngăn chặn hàng trăm vi phạm, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.
Công tác thanh tra không chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Những kết luận thanh tra, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý của Bộ đã giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong công tác quản lý, đồng thời cải thiện các cơ chế, chính sách để đảm bảo phát triển bền vững.
Nâng cao hiệu quả đối thoại và hòa giải
Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn chú trọng. Trong năm 2024, Bộ này nỗ lực trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.
Mặc dù tình hình khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường có sự giảm nhẹ so với các năm trước, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn và có tính chất phức tạp.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo thường liên quan đến những mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền địa phương trong việc sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, hoặc các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường. Những vụ việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân mà còn có thể gây mất ổn định trật tự xã hội nếu không được giải quyết kịp thời và hiệu quả.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ và quyết liệt để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, Bộ đã triển khai công tác đối thoại và hòa giải, giải thích rõ các quy định của pháp luật, giúp công dân hiểu và tự nguyện rút đơn khiếu nại. Điều này đã góp phần giảm bớt số lượng các vụ việc kéo dài và phức tạp.
Năm 2024, Bộ đã tiếp 1.419 lượt công dân với 1.602 người tham gia, trong đó có 42 đoàn đông người với 269 người. Mặc dù số đơn khiếu nại, tố cáo đã giảm, song tỷ lệ đơn thư đủ điều kiện xử lý vẫn chiếm hơn 56%, cho thấy tình trạng khiếu nại, tố cáo vẫn còn phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.
Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn một số tồn tại và hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.
Một trong những vấn đề cần chú trọng là công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra còn thiếu sự chủ động và chưa sát thực tiễn. Một số cuộc thanh tra chỉ được triển khai khi vi phạm đã bị phơi bày trên các phương tiện truyền thông hoặc khi có chỉ đạo từ cấp trên. Điều này cho thấy công tác phát hiện và ngăn chặn vi phạm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Hơn nữa, kết quả thanh tra và kiểm tra chưa tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi các chính sách, pháp luật. Mặc dù các kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều vi phạm và bất cập, nhưng việc khắc phục sai phạm vẫn chưa thực sự hiệu quả và còn chậm trễ. Việc thực hiện các kiến nghị thanh tra trong một số trường hợp còn thiếu quyết liệt, chưa đủ sức răn đe.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất một số giải pháp quan trọng như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Theo đó, các đơn vị trực thuộc Bộ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích các chính sách pháp luật mới, đặc biệt là các văn bản liên quan đến đất đai và tài nguyên môi trường, nhằm giúp người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Tiếp tục đổi mới cách tiếp cận trong công tác thanh tra, kiểm tra, ưu tiên các vụ việc có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, đồng thời tạo ra cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng nhằm tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong quá trình kiểm tra.
Cần chú trọng hơn vào công tác đối thoại, hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân tiếp cận các cơ quan chức năng, đồng thời thúc đẩy việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, tránh để kéo dài.
Các cơ quan chức năng cần đôn đốc và giám sát chặt chẽ việc thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm các kiến nghị được thực hiện kịp thời và triệt để.
D.Ngân