Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Quang Huy đã ký kết luận số 41/KL-TTGSNH7, về việc thanh tra hành chính tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian tiến hành thanh tra là từ ngày 6/11 đến 20/12/2023. Kết luận thanh tra này đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý phí, học phí.
Học phí hệ đào tạo thạc sĩ chưa đúng quy định
Kết luận thanh tra nêu, trong thời kỳ thanh tra, mức học phí của nhà trường đối với các hệ, hình thức, phương thức đào tạo trong năm học 2021-2022 và 2022-2023 (mức học phí của hai năm học bằng nhau) là đảm bảo đúng quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Dù vậy, nhà trường vẫn có thiếu sót, hạn chế trong việc đăng tải công khai thông tin tuyển sinh hệ đào tạo thạc sĩ trên trang thông tin điện tử của trường, cụ thể là thiếu hình thức đào tạo vừa làm, vừa học/theo nhu cầu. Quy định về mức học phí của hệ đào tạo thạc sĩ chính quy là 22.050.000 đồng/năm/học viên là không đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 81/2021/NĐ-CP, và không đúng quy định mức thu học phí của trường trong năm học 2021-2022, 2022-2023.
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)
Về việc quản lý phí, học phí: Kết quả kiểm tra sổ chi tiết tài khoản tiền mặt cho thấy trường chưa thực hiện chuyển học phí thu bằng tiền mặt vào tài khoản của trường mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc là ngân hàng thương mại để quản lý, chưa thực hiện theo quy định.
Kết quả kiểm tra sổ chi tiết tại tài khoản tiền gửi năm 2022 cũng cho thấy, đối với tiền học phí thu qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản của trường tại các ngân hàng thương mại, trường đã thực hiện việc chuyển tiền học phí về tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước Quận 1 số tiền là 27.299.116.500 đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2022, tổng số nguồn thu của trường là 384.641.277.743 đồng. Như vậy, kết luận thanh tra đã chỉ ra, trường thực hiện việc chuyển tiền học phí, lệ phí về tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước Quận 1 chưa đầy đủ đúng theo quy định.
Lấy tài sản công cho thuê không tổ chức đấu thầu
Cũng trong kết luận thanh tra này, cơ quan quản lý đã chỉ ra nhà trường chưa thực hiện đúng việc thanh toán đơn giá dạy thêm giờ áp dụng chung đối với cán bộ, viên chức giảng dạy.
Đồng thời, đoàn thanh tra cũng đã tiến hành chọn mẫu 17 hồ sơ chứng từ thanh toán tiền họp trong thời kỳ thanh tra, với tổng số tiền là 117.300.000 đồng để xem xét và đánh giá.
Kết quả cho thấy còn có nhiều tồn tại và hạn chế như: Nhiều chứng từ chi bồi dưỡng của các cuộc họp hội nghị mang tính chất thường xuyên, là nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ, viên chức thuộc trường, nhưng vẫn được chi là chưa đúng theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 1 của Thông tư 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, một số chứng từ chi bồi dưỡng tiền họp vượt mức quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ.
Kết luận thanh tra này còn đề cập đến việc nhà trường chậm triển khai xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê từ ngày 1/1/2018 đến ngày 29/7/2020, là thực hiện không đúng với quy định tại điểm a khoản 3 điều 55 của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017, điểm a khoản 3 điều 44 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt, trường đã thực hiện việc ký kết hợp đồng cho thuê sau ngày 20/7/2009 đối với 7 tài sản (gồm 1 tài sản tại cơ sở 36 Tôn Thất Đạm, Quận 1; 6 tài sản tại cơ sở 56 Hoàng Diệu, Thủ Đức) nhưng không thông qua đấu giá là thực hiện không đúng với quy định tại điểm a khoản 4 điều 43 của Nghị định 52/2009/NĐ-CP. Việc nhà trường không thực hiện việc chấm dứt hợp đồng cho thuê sau ngày 1/1/2018 đối với 7 tài sản nêu trên là thực hiện không đúng quy định tại khoản 5 điều 136 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Song song đó, tại kết luận thanh tra này cũng nêu lên một số tồn tại khác có liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, viên chức, người lao động.
Kiến nghị các biện pháp xử lý
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng kiến nghị giao Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề xuất hình thức xử lý theo quy định đối với tập thể, cá nhân thuộc diện Ban Cán sự Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý tương ứng với các hạn chế, tồn tại, sai phạm đã được nêu trong kết luận thanh tra.
Cũng theo kết luận thanh tra, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đã kiến nghị nhiều biện pháp xử lý cụ thể, trong đó về quy định mức học phí, hiệu trưởng nhà trường tổ chức chấn chỉnh, xác định trách nhiệm, xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến tồn tại, hạn chế việc đăng tải công khai thông tin tuyển sinh hệ đào tạo thạc sĩ trên cổng thông tin điện tử của trường.
Đồng thời, chỉ đạo quán triệt trong các kỳ tuyển sinh tới, nhà trường thực hiện việc đăng tải thông tin tuyển sinh trên cổng thông tin điện tử của trường đầy đủ các thông tin về hệ đào tạo (chính quy, vừa làm vừa học/theo yêu cầu) và mức học phí tương ứng với từng hệ đào tạo, đảm bảo tính thống nhất với quyết định của hiệu trưởng về mức thu học phí hàng năm, và đúng với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Về quy định thu phí, lệ phí: Hội đồng và hiệu trưởng nhà trường tổ chức rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, xác định trách nhiệm, xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến tồn tại, hạn chế trong việc tham mưu, đề xuất, xây dựng mức thu phí, lệ phí, mức dịch vụ hàng năm chưa có mức giá cụ thể, khung giá cơ quan thẩm quyền quy định cũng như chưa có hồ sơ, tài liệu thể hiện dự toán chi phí và đề xuất làm cơ sở, căn cứ để trường quy định mức thu bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Thời gian chậm nhất khi trường ban hành quyết định về mức thu học phí, lệ phí trong năm học kế tiếp gần nhất.
Về quản lý phí, học phí: Hiệu trưởng nhà trường tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh, xác định trách nhiệm, xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến hạn chế, tồn tại trong việc quản lý, theo dõi phí và học phí đã được nêu trên; quán triệt, chỉ đạo việc thực hiện quản lý học phí thu bằng tiền mặt theo đúng quy định trong thời gian tới.
Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo rà soát để thực hiện việc quản lý học phí trong thời gian tới, chỉ đạo các cá nhân có liên quan đến tồn tại, hạn chế trong việc lập biên lai thu tiền chưa đúng, thực hiện việc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và quán triệt thực hiện đúng theo quy định trong thời gian tới. Thời gian thực hiện ngay sau khi công khai kết luận thanh tra này.
Căn cứ vào những tồn tại, hạn chế trong việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê đã được nêu trong kết luận thanh tra này, cơ quan quản lý có thẩm quyền đề nghị Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh có các biện pháp xử lý cụ thể, cần thực hiện xong trước ngày 30/6/2025.
Việt Dũng