Làm rõ nguyên nhân, chấn chỉnh vi phạm, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật
Kế hoạch thanh tra chuyên đề số 1505/KH-TTCP ngày 22/7/2025 của Thanh tra Chính phủ được xây dựng trên cơ sở thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ngày 17/7/2025.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ xác định việc tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng nhằm kịp thời làm rõ nguyên nhân các vướng mắc, tồn đọng trong công tác đầu tư công. Đánh giá thực trạng hiệu quả của các dự án chậm tiến độ, kéo dài, có quy mô lớn, phức tạp hoặc có dấu hiệu gây lãng phí, thất thoát nguồn lực nhà nước.
Trên cơ sở đó, cơ quan thanh tra sẽ kiến nghị xử lý vi phạm theo thẩm quyền, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật để tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.
Đại diện các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ tham dự cuộc họp triển khai thanh tra chuyên đề các dự án có khó khăn, vướng mắc - Ảnh: VGP/Toàn Thắng.
Kế hoạch yêu cầu các cuộc thanh tra phải được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật, công khai, minh bạch, khách quan, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra. Việc thanh tra phải tập trung đúng trọng tâm, không chồng chéo với các cuộc thanh tra khác, bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương.
Nội dung thanh tra tập trung vào toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư, từ việc chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng, giải phóng mặt bằng, cấp vốn, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất đến việc quyết toán vốn đầu tư, đánh giá hiệu quả và nguyên nhân chậm tiến độ, đội vốn, hiệu quả thấp.
Không thanh tra lại các công trình, dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra hoặc đã có kết luận của cấp có thẩm quyền. Đặc biệt, những công trình đã được Bộ Tài chính phân loại là hoàn tất thanh tra với tổng số 497 dự án cũng sẽ không nằm trong phạm vi của kế hoạch lần này.
898 dự án thuộc diện thanh tra
Theo phân công, Thanh tra Chính phủ sẽ trực tiếp thanh tra 145 dự án thuộc các bộ, ngành trung ương, các tập đoàn, tổng công ty lớn như Bộ Tài chính (5 dự án), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (4 dự án), Bộ Xây dựng (8 dự án), Bộ Công Thương (6 dự án), Bộ Giao thông vận tải (6 dự án), Bộ Giáo dục và Đào tạo (5 dự án), Bộ Ngoại giao, Bộ Dân tộc, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (1-2 dự án/bộ), cùng các viện, học viện, các tổng công ty, tập đoàn thuộc khối Nhà nước.
Tại các địa phương, kế hoạch thanh tra sẽ được triển khai với 750 dự án có tổng mức đầu tư từ 30 tỉ đồng/dự án trở lên. Một số địa phương có số lượng dự án lớn gồm: Hà Nội (21 dự án), TP HCM (20), Nghệ An (13), Quảng Ngãi (28), Thái Nguyên (51), Gia Lai (20), Lào Cai (15), Khánh Hòa (15), Đắk Lắk (12), Quảng Trị (8), Sơn La (8), Bình Định (40), Bắc Ninh (27), Hải Phòng (4), Tuyên Quang (17)... (các tỉnh có dự án theo địa danh cũ trước khi sáp nhập).
Đối với các dự án đặc biệt khó khăn, phức tạp, Thanh tra Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì kiểm tra với tổng số 63 dự án được phân bổ ở nhiều tỉnh thành, trong đó có Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Giang, Hưng Yên, Lào Cai, Quảng Ninh, Bình Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế…(các tỉnh có dự án theo địa danh cũ).
Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An do Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An làm chủ đầu tư thuộc diện dự án thanh tra lần này. (Ảnh phối cảnh dự án).
Thời gian thanh tra được triển khai từ tháng 7/2025, kết thúc chậm nhất vào cuối tháng 9/2025. Thời hạn mỗi cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ thực hiện không quá 45 ngày; đối với Thanh tra Bộ Quốc phòng và các địa phương không quá 30 ngày.
Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm ban hành kết luận thanh tra trước ngày 15-25/9/2025, gửi báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ trước 20/9 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/10/2025.
Thanh tra Chính phủ giao Cục VII chủ trì điều phối, hướng dẫn, đôn đốc triển khai kế hoạch, đồng thời phối hợp các cục nghiệp vụ thành lập các tổ công tác, hỗ trợ các địa phương trong quá trình tổ chức thanh tra. Các tỉnh, thành phố, bộ, ngành có trách nhiệm chủ động rà soát, phân loại, phê duyệt danh mục công trình thuộc diện thanh tra, tổ chức triển khai đúng tiến độ; trường hợp có vướng mắc phải báo cáo kịp thời để được hướng dẫn, tháo gỡ.
Đây là đợt thanh tra có quy mô lớn, phạm vi rộng, nội dung chuyên sâu, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chính phủ trong việc chấn chỉnh hoạt động đầu tư công, ngăn chặn thất thoát, lãng phí ngân sách, góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế hiệu quả, bền vững.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục phản ánh về các dự án thuộc diện thanh tra tại các địa phương.
Xuân Nha