Thanh tra là phải phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, không trở thành lực cản của sự phát triển

Thanh tra là phải phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, không trở thành lực cản của sự phát triển
18 giờ trướcBài gốc
Hội nghị được tổ chức trực tiếp, kết hợp trực tuyến kết nối đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; lãnh đạo, công chức ngành thanh tra tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Năm 2024, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành thanh tra đã tiếp tục hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm. Cụ thể, toàn ngành đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 157,5 nghìn tỷ đồng, 245 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi trên 85,4 nghìn tỷ đồng và 41 ha đất; ban hành 105.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.150 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể và 9.017 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.
Trong công tác tiếp dân, năm 2024, cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp dân được trên 360 nghìn người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 287.766 vụ việc; giải quyết 25.823/30.238 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,4%. Trong công tác phòng, chống tham nhũng, qua công tác thanh tra phát hiện 61 vụ việc tham nhũng với 107 người vi phạm; 10 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; xử lý kỷ luật 52 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng…
Đối với tỉnh Lạng Sơn, năm 2024, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động trong công tác nắm tình hình, tăng cường đối thoại với công dân, nhất là địa bàn, lĩnh vực phát sinh nhiều đơn thư, vụ việc đông người, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Các tổ chức thanh tra đã triển khai 374 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực, như: tài chính; quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng; giáo dục; y tế... đến nay đã kết thúc 343/374 cuộc. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế với số tiền trên 13 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 11 tỷ đồng, giảm trừ thanh toán, quyết toán và xử lý khác trên 2,3 tỷ đồng. Trong năm, các cơ quan hành chính đã triển khai 21 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, đã kết thúc 13/21 cuộc…
Tại hội nghị, đại biểu đã tham luận, phát biểu một số ý kiến nhằm làm rõ hơn những kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện các mặt công tác ngành thanh tra trong năm 2024; công tác phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện công tác thanh tra giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra tại cơ sở trong thời gian tới…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận, biểu dương kết quả của toàn ngành thanh tra đạt được trong năm 2024.
Đồng chí nhấn mạnh: Năm 2025, toàn ngành cần tiếp tục đổi mới tư duy toàn hệ thống, xác định kỹ hơn, rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của mình; không chỉ phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực để xử lý nghiêm minh các vi phạm mà qua đó cần phát hiện sơ hở, kẽ hở của cơ chế chính sách để đề xuất sửa đổi. Thanh tra là phải phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, không trở thành lực cản của sự phát triển; phục vụ cho sự lãnh đạo điều hành của Đảng, Nhà nước, góp phần đánh giá cán bộ trong toàn hệ thống.
Đồng chí đề nghị: Thanh tra Chính phủ và thanh tra các địa phương quan tâm nghiên cứu mô hình tổ chức lại bộ máy thanh tra, tăng cường công tác thanh tra cho hiệu quả, nhất là khi phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương.
Đồng chí lưu ý: Toàn ngành thanh tranâng cao chất lượng công tác thanh tra, khắc phục tình trạng kết luận thanh tra chưa thấu tình đạt lý. Trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cần nghiên cứu hướng dẫn cụ thể cho cơ sở về những biểu hiện của lãng phí, mức độ xử lý, tổ chức điểm 1 vụ việc về lãng phí để tổng kết thành những hướng dẫn cụ thể cho cơ sở. Ngành cần đẩy mạnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; giáo dục cán bộ để phòng ngừa vi phạm, sai phạm trong ngành.
THANH HUYỀN - BÍCH THUẦN
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/thanh-tra-la-phai-phuc-vu-cho-su-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-khong-tro-thanh-luc-can-cua-su-phat-trien-5033394.html