Tháo bỏ nhiều quy trình, thủ tục để thúc đẩy dòng chảy vốn đầu tư

Tháo bỏ nhiều quy trình, thủ tục để thúc đẩy dòng chảy vốn đầu tư
6 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại cuộc họp tổ của Quốc hội chiều 17/5.
Tạo "đường băng" để nền kinh tế cất cánh
Đánh giá chung, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết số 57-NQ/TW, chủ trương của Đảng về sắp xếp, hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến pháp luật về đấu thầu, PPP, đầu tư công... nhằm thúc đẩy phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Trao nhiều quyền tự chủ hơn cho chủ đầu tư
Trong các nội dung được quy định theo hướng mở hơn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh đến việc sẽ trao nhiều quyền tự chủ hơn cho chủ đầu tư được quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu. Thực tế, đây là vướng mắc lớn ở một số dự án thời gian qua. Việc buộc phải đấu thầu rộng rãi theo quy định không những không giúp chọn được nhà thầu tốt hơn, mà còn gây cản trở, mất thời gian, tốn kém. Rất nhiều trường hợp qua đấu thầu nhưng dự án vẫn chậm tiến độ, vẫn sai phạm, phải xử lý. “Dù chỉ định thầu hay đấu thầu thì vấn đề ở chỗ là chúng ta có khách quan, có minh bạch và có vì lợi ích chung hay không”, Bộ trưởng khẳng định.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, việc tích hợp sửa đổi các luật nói trên trong một luật chung là bước đi phù hợp, nhằm hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý và thực thi chính sách.
Góp ý về sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu Đào Chí Nghĩa đánh giá cao quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được tự quyết định mua sắm trong một số trường hợp, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Quy định này sẽ giúp tăng tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn triển khai các nhiệm vụ nói trên, nhất là khi không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc dự thảo chỉ yêu cầu các đơn vị "bảo đảm đầy đủ chứng từ, hóa đơn" nhưng lại chưa làm rõ cơ chế giám sát, kiểm tra là chưa đủ chặt chẽ. Điều này có thể tạo kẽ hở cho tình trạng lạm dụng, thiếu minh bạch hoặc thất thoát. Vì vậy, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế giám sát và kiểm tra đối với các trường hợp tự quyết định mua sắm, đại biểu đề nghị.
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, đại biểu Đinh Việt Dũng (Ninh Bình) mong muốn, hệ thống pháp luật được hoàn thiện nhanh nhất, tạo ra “đường băng” để kinh tế phát triển và giải quyết dứt điểm những tồn tại, chống lãng phí.
Từ thực tế của địa phương, đại biểu cho biết, hiện nay việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn còn gặp khó khăn do sự chồng chéo giữa Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Khi thẩm định các dự án đầu tư công, các địa phương còn lúng túng trong việc phân bổ kinh phí, ngân sách trước hay phê duyệt dự án đầu tư trước. Để phân định rõ việc này rất khó như câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”.
Đại biểu cho rằng, không cần thẩm định đối với nguồn vốn nếu dự án sử dụng vốn ngân sách bổ sung có mục tiêu của Trung ương hoặc địa phương mà chỉ cần thẩm định đối với nguồn vốn hỗn hợp. Đồng thời, đề xuất dự án đầu tư công không được vượt quá 2 kỳ kế hoạch trung hạn.
Đối với quy định của Luật Đầu tư, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề nghị, Chính phủ nên xem xét và sửa đổi nội dung về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp tư nhân.
Bởi, nhiều ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần bỏ hoàn toàn thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân. Theo đại biểu, bỏ thủ tục này không tạo ra lỗ hổng về quản lý nhưng nếu tiếp tục giữ quy định thì có thể trùm thêm một thủ tục dành cho doanh nghiệp.
Nhiều quy định mở và đột phá
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, việc sửa các Luật này bắt nguồn từ yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết 57. Đồng thời, kết hợp với việc tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi các luật này. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện rất gấp, nên chưa thể nghiên cứu, sửa đổi triệt để toàn bộ những vấn đề bất cập mà chỉ lựa chọn những vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ ngay.
Với tinh thần như vậy, Luật này tập trung vào 3 vấn đề lớn. Một là các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ bất cập cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hai là phân cấp phân quyền, thể hiện rõ nét các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ. Ba là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
“Lần này chúng tôi tập trung rất nhiều vào việc phân cấp, phân quyền để tạo sự thông thoáng, theo đúng mục tiêu là địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, dự thảo Luật phân cấp rất mạnh từ tất cả các cấp, từ Thủ tướng xuống bộ, ngành và đặc biệt là cho UBND các tỉnh; tiếp đó là từ bộ, ngành xuống UBND các tỉnh ở rất nhiều các nội dung liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật PPP, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công…
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã có nhiều quy định rất mở và đột phá. Chẳng hạn, tại Luật Đấu thầu, dự thảo cho phép các doanh nghiệp nhà nước (không phân biệt nguồn vốn sử dụng) và đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 không sử dụng ngân sách nhà nước được phép quyết định chỉ định thầu hay đấu thầu. Các hoạt động mua sắm, thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cũng được quy định thông thoáng, linh hoạt hơn.
Đi cùng với các quy định thông thoáng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ, ngành là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát. Tất nhiên, trong quá trình triển khai cũng không thể cầu toàn, nếu có vấn đề gì thì tiếp tục điều chỉnh. Điều quan trọng, theo Bộ trưởng là xây dựng hành lang thông thoáng để thực hiện. Còn trong quá trình làm, ai vì lợi ích cá nhân, ai vi phạm thì phải chịu trách nhiệm.
Phân cấp mạnh mẽ cho các bộ, ngành, địa phương
Trước đó, sáng 17/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo tờ trình của Chính phủ, nhiều thủ tục, quy trình liên quan đến hoạt động đầu tư, đấu thầu đã được cắt giảm tại các Luật này… Đồng thời, phân cấp mạnh mẽ hơn cho bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Theo đó. tại Luật Đấu thầu, Chính phủ đề xuất cắt giảm, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian trong đấu thầu theo hướng bãi bỏ thủ tục thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; lược bỏ một số thủ tục, thao tác đấu thầu qua mạng và một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu nhằm rút ngắn thời gian, cắt giảm thủ tục trong đấu thầu; bãi bỏ vai trò bên mời thầu và chuyển giao một số nhiệm vụ của bên mời thầu cho tổ chuyên gia, chủ đầu tư nhằm tinh gọn, xóa bỏ cấp trung gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Tại Luật Đầu tư, Chính phủ đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, nội dung, trình tự, thủ tục thẩm định chủ trương dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thủ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư đối với 7 nhóm dự án.
Ở Luật Đầu tư công, dự thảo quy định trường hợp chương trình, dự án tăng tổng mức đầu tư từ các nguồn vốn hợp pháp khác hoặc tăng vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, không cần điều chỉnh chủ trương đầu tư (quy định hiện tại là phải điều chỉnh).
Hoàng Yến
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thao-bo-nhieu-quy-trinh-thu-tuc-de-thuc-day-dong-chay-von-dau-tu-176697-176697.html