Tháo điểm nghẽn cho y học cổ truyền

Tháo điểm nghẽn cho y học cổ truyền
3 giờ trướcBài gốc
Thoát “cửa tử” nhờ kết hợp đông - tây y
Năm 2020, phát hiện mắc bệnh ung thư máu, chị L.H.H. (34 tuổi, ngụ Bình Dương) tìm đến một bệnh viện ở TPHCM để điều trị. Chị được bác sĩ (BS) chẩn đoán suy tủy, 3 dòng huyết cầu đều giảm mạnh. Theo điều trị tại bệnh viện này một thời gian dài, sức khỏe chị H. không khá hơn, thiếu máu nặng, lá lách to như trái bưởi.
Sản xuất thuốc y học cổ truyền đạt chuẩn tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
“Cơ thể ngày càng suy nhược, có người mách tôi nên theo điều trị đông y. Còn nước còn tát, tôi tìm đến Bệnh viện YHCT TPHCM và được điều trị theo bài thuốc quy tỳ để bổ huyết kiện tỳ, song hành với điều trị tây y. Hơn 1 năm kiên trì theo đông - tây y kết hợp, các thông số bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu của tôi đã ổn định, lá lách trở về bình thường”, chị H. kể.
Ở Bệnh viện YHCT TPHCM, nhiều bệnh nhân khi được người nhà chuyển đến điều trị sức khỏe kiệt quệ, liệt bán thân, nhưng nhờ sự chăm sóc, điều trị tận tình của đội ngũ thầy thuốc nơi đây, bệnh nhân không còn tâm lý buông xuôi. Họ sống vui tươi, hòa đồng và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho người mới đến để cùng nhau chiến thắng bệnh tật.
Còn tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM, từ năm 2003 đến nay, sau khi khoa Nội Ung bướu của đơn vị này triển khai liệu pháp “4T” điều trị cho người bệnh ung thư đã cho kết quả tích cực.
BS CKII Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng khoa Nội Ung bướu, cho biết: “Liệu pháp 4T được viện áp dụng nhằm hạn chế tiếp xúc các ngoại nhân có tác động xấu, tăng cường đề kháng cho người bệnh, giúp hạn chế tái phát di căn, nâng cao chất lượng sống. Liệu pháp này tuy không diệt khối u hoàn toàn, nhưng có thể ngăn chặn sự tàn phá của u một thời gian, không có tác dụng phụ, tinh thần người bệnh được cải thiện và kéo dài tuổi thọ. Rất mừng là thời gian qua, liệu pháp 4T đã giúp hàng ngàn người bệnh ung thư kéo dài cuộc sống từ 1 đến trên 10 năm, có trường hợp hơn 20 năm vẫn sống vui, sống khỏe”.
TPHCM hiện có trên 1.500 cơ sở khám chữa bệnh bằng YHCT, trong đó Bệnh viện YHCT TPHCM và Viện Y dược học dân tộc TPHCM là đầu tàu chỉ đạo tuyến, tiếp nhận điều trị, đào tạo nhân viên YHCT cho cả khu vực phía Nam. Hàng năm, các đơn vị này tiếp nhận hàng trăm ngàn lượt người dân tới khám chữa bệnh bằng YHCT kết hợp với y học hiện đại (tuyến cuối chiếm tỷ lệ 8%; quận, huyện 9,5% và tuyến cơ sở 17%).
Giải bài toán nhân lực chất lượng cao
Theo Thầy thuốc ưu tú - BS CKII Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện YHCT TPHCM, thành phố có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kỹ thuật chuyên sâu, bởi có đội ngũ y bác sĩ YHCT giỏi. Cấy chỉ là một trong những kỹ thuật YHCT được bệnh viện đầu tư phát triển mạnh mẽ, cũng là một trong 7 định hướng bệnh viện phát triển theo hướng y tế chuyên sâu.
“Mặc dù cấy chỉ là một kỹ thuật đã có từ lâu nhưng chúng tôi đã cải tiến và nâng cao kỹ thuật này thành một phương pháp chuyên sâu, không chỉ là cấy chỉ thông thường mà là một trong những kỹ thuật đặc biệt của bệnh viện”, BS Khoa chia sẻ.
Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tuy nhiên, để phát huy được hết tiềm năng của YHCT, thành phố cần đầu tư mạnh cho các bệnh viện YHCT; trang thiết bị vật tư cho các trạm y tế, nguồn ra của sản phẩm thuốc đông y.
Bên cạnh đó, dù TPHCM có những chính sách hỗ trợ các bệnh viện trong việc huy động nguồn xã hội hóa. Một thách thức khác trong phát triển kỹ thuật chuyên sâu là hành lang pháp lý, bởi khi triển khai kỹ thuật mới, việc phê duyệt và mở rộng dịch vụ là điều cần thiết nhưng các quy định vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, hệ thống các trường đào tạo nhân lực ngành y hiện chủ yếu đào tạo các bác sĩ đa khoa, chưa chú trọng đào tạo các chuyên gia về kỹ thuật chuyên sâu lĩnh vực YHCT như sản phụ khoa, bệnh truyền nhiễm, thần kinh - đột quỵ…
“Việc đào tạo bác sĩ YHCT chuyên sâu là yêu cầu cấp thiết và cần có sự thay đổi lớn trong hệ thống giáo dục cũng như tại các bệnh viện”, BS Khoa nói.
Đồng quan điểm, PGS-TS-BS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, cho rằng, mảng đào tạo nhân lực YHCT bậc đại học là ngành giống như y khoa, nhưng đào tạo sau đại học chưa theo hướng đa ngành trong YHCT.
Do đó chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, phần lớn các trường đào tạo 1 mã ngành sau đại học là YHCT, riêng Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam đào tạo thêm CKI về Châm cứu, Dược liệu - Dược học cổ truyền. Vấn đề này cần được khắc phục qua việc Bộ Y tế nên nghiên cứu về tổng quan thông lệ quốc tế, đồng thời căn cứ thực tiễn hệ thống YHCT của Việt Nam hiện nay, thế mạnh của TPHCM để đề xuất đào tạo chuyên sâu sau đại học ngành YHCT trong giai đoạn tới.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM NGUYỄN VĂN VĨNH CHÂU: Phát triển y học cổ truyền theo hướng chuyên sâu
Ngành y tế TPHCM đang đẩy mạnh nhiều kế hoạch trọng điểm nhằm đưa y tế thành phố phát triển xứng tầm, hướng tới trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN. Có 4 nhiệm vụ xuyên suốt cho mục tiêu này, gồm: ổn định công tác phòng chống dịch bệnh; phát triển y tế cộng đồng; phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện; hướng tới phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu để trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực. Như vậy, việc phát triển YHCT theo hướng chuyên sâu cũng là một trong những định hướng phát triển của thành phố trong thời gian tới.
QUANG HUY
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/thao-diem-nghen-cho-y-hoc-co-truyen-post778342.html