Tháo điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu

Tháo điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu
9 giờ trướcBài gốc
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được thông qua, trong đó có luật hóa quyền thu hồi tài sản đã mở ra một chương mới cho các ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu
Giải quyết “cục máu đông” nợ xấu
Báo cáo tổng kết thi hành Nghị quyết 42/2017/QH14 và một số quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến tháng 1/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ở mức 4,3%, tập trung tại một số ngân hàng yếu kém và diện kiểm soát đặc biệt.
Riêng với lĩnh vực bất động sản, số liệu của NHNN cho biết, tính đến hết tháng 3/2025, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024 (hơn 1,3 triệu tỷ đồng), tương ứng mức tăng 20%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, nợ xấu là hệ quả tất yếu, vấn đề là phải kiểm soát ở mức chấp nhận được, với Việt Nam là khoảng 3%. Với lĩnh vực bất động sản, theo ông Châu, hiện tình trạng nợ xấu bất động sản đang ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của thị trường tài chính và sức khỏe doanh nghiệp, nếu không có giải pháp tổng thể và mang tính đột phá, hàng loạt dự án dở dang sẽ tiếp tục “đắp chiếu”, kéo theo hệ lụy dây chuyền đến ngân hàng, nhà đầu tư và người lao động.
Theo ông Châu, việc xử lý nợ xấu không chỉ là thu hồi nợ, mà còn là cơ hội để phục hồi thị trường bất động sản. Chính phủ cần xem xét ban hành cơ chế đặc thù nhằm xử lý nợ xấu một cách quyết liệt, đồng bộ.
“Chúng ta cần cách tiếp cận mới: thu hồi được nợ, khôi phục được dự án, cứu được doanh nghiệp và giữ được việc làm cho người lao động”, ông Châu nêu quan điểm và cho rằng, một trong những vướng mắc lớn hiện nay là pháp lý đối với tài sản đảm bảo. Nhiều dự án có giá trị lớn đang bị vướng thủ tục pháp lý, tranh chấp, khiến ngân hàng không thể phát mãi, doanh nghiệp không thể tái cấu trúc, vì thế cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản đảm bảo theo hướng minh bạch, rút ngắn quy trình phát mãi, kể cả thông qua đấu giá công khai hoặc chuyển nhượng dự án.
Trên thực tế, việc thu giữ tài sản đảm bảo không phải lúc nào cũng là giải pháp tối ưu, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều bất ổn, thì việc thu giữ tài sản đảm bảo thậm chí có thể trở thành gánh nặng cho ngân hàng nếu không đi kèm các biện pháp xử lý hiệu quả. Vì thế, các nhà phân tích cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý để tháo gỡ vướng mắc, minh bạch hóa quy trình và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản đảm bảo thì mới có thể giải quyết nợ xấu một cách bền vững.
Để xử lý nợ xấu, cần đảm bảo quyền tài sản của người thế chấp, xây dựng quyền lợi bên nhận thế chấp tài sản và sự minh bạch hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng tín dụng. Không xây dựng hợp đồng như xây dựng bộ luật, mà phải phân loại rõ quyền, nghĩa vụ của các bên.
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM)
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng, ngân hàng cho vay thì phải chấp nhận tỷ lệ mức độ rủi ro nhất định, nhưng phải tối thiểu hóa rủi ro. Hiện nay, bên đi vay và bên cho vay có thông tin không cân xứng, hệ quả là tạo ra 2 vấn đề: rủi ro đạo đức và lựa chọn ngược. Ngân hàng đang rơi vào tình huống “lựa chọn ngược”, tức lựa chọn người có rủi ro để cho vay. Để giảm rủi ro nợ xấu, ngân hàng cần sàng lọc rủi ro. Vai trò của Nhà nước là giảm bất cân xứng thông tin, yêu cầu minh bạch hóa, cung cấp thông tin, thẩm định cho ngân hàng.
Tài sản bảo đảm giúp ngân hàng yên tâm cấp vốn, kiểm soát rủi ro. Khi khoản nợ rơi vào nợ xấu, một cơ chế xử lý tài sản hiệu quả không chỉ bảo vệ tổ chức tín dụng trước nguy cơ nợ xấu, mà còn thúc đẩy mở rộng tín dụng, củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính. Tuy nhiên, giá trị thực sự của tài sản bảo đảm chỉ phát huy khi có thể được thu giữ và xử lý nhanh chóng, minh bạch, hợp pháp nếu người vay mất khả năng trả nợ.
Quyền thu hồi tài sản trở thành công cụ pháp lý cốt lõi, đảm bảo dòng vốn lưu thông và thị trường tín dụng vận hành ổn định. Vì thế, ông Tuấn cho rằng, cơ chế xử lý tài sản thế chấp phải bảo đảm minh bạch, công bằng và hạn chế tranh chấp. Muốn thế, điều tiên quyết là hợp đồng thế chấp phải có thỏa thuận rõ ràng về quyền xử lý tài sản mà không cần thông qua tòa án - cơ chế được gọi là “power of sale”. Thỏa thuận này không thể mơ hồ hay chỉ mang tính hình thức, mà phải quy định cụ thể trình tự thông báo, phương thức định giá, thời gian chờ xử lý cũng như các quyền còn lại của người vay sau khi tài sản bị bán.
Gỡ rào cản trong xử lý tài sản
Hiện các quốc gia xử lý tài sản bảo đảm theo hai truyền thống pháp lý chính: Thông luật (Common Law - như Mỹ, Anh, Singapore) và Dân luật (Civil Law - như Đức, Nhật, Việt Nam). Trong hệ thống Thông luật, quyền thỏa thuận trong hợp đồng được đề cao. Nếu hợp đồng thế chấp quy định rõ “quyền bán tài sản”, ngân hàng có thể tự thu giữ và bán tài sản mà không cần đưa ra tòa. Cơ chế này rút ngắn thời gian xử lý nợ, giảm chi phí pháp lý và nâng cao hiệu quả thu hồi nợ, trở thành hình mẫu trong quản lý rủi ro tín dụng, nhưng nhiều lúc không bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người vay và bên thứ ba.
Trong khi đó, các quốc gia theo Dân luật như Việt Nam thường yêu cầu việc xử lý tài sản bảo đảm phải thông qua tòa án hoặc cơ quan thi hành án, ngay cả khi hợp đồng có điều khoản rõ ràng về quyền xử lý. Cách tiếp cận này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người vay và bên thứ ba, đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong toàn bộ quá trình, nhưng lại khiến thời gian xử lý nợ xấu kéo dài từ năm này qua tháng khác, gây thiệt hại cho ngân hàng và cả người thế chấp khi vay vốn. Bởi khi tài sản bị phong tỏa, bị kê biên, niêm phong… thì không khai thác sinh lời được, gây lãng phí.
Trong giai đoạn 2017 - 2023, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội đã tạo cơ chế đặc thù, giúp tổ chức tín dụng xử lý tài sản nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi Nghị quyết hết hiệu lực vào cuối năm 2023, hệ thống pháp lý lập tức rơi vào trạng thái hụt cơ chế xử lý hữu hiệu. Vì thế, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi với nội dung đáng chú ý là luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2025 được kỳ vọng giúp ngân hàng xử lý nhanh bài toán nợ xấu.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trong suốt quá trình xử lý, việc thông báo cho người vay cần được thực hiện minh bạch bằng văn bản, với thời hạn hợp lý. Điều này không chỉ đảm bảo quyền được biết và chuẩn bị của người vay, mà còn tạo điều kiện để họ có thể chủ động trả nợ, tự tìm đối tác chuyển nhượng tài sản nhằm đạt mức giá tốt hơn, hoặc tái đàm phán với bên cho vay. Để đảm bảo khách quan, nên có sự giám sát của bên thứ ba hoặc cơ chế định giá độc lập trong toàn bộ quá trình này.
Một nguyên tắc quan trọng không thể bỏ qua, theo ông Tuấn, là người vay cần được bảo đảm quyền nhận lại phần dư sau khi tài sản bị bán, trừ đi khoản nợ gốc, lãi và các chi phí hợp lý. Đây là quyền tài sản hợp pháp, cần được ngân hàng thông báo rõ ràng trong mọi trường hợp, kể cả khi không còn giá trị dư, nhằm tránh khiếu nại phát sinh trong quá trình xử lý.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng, việc xử lý tài sản nhằm đảm bảo cho việc thu hồi nợ, tưởng rất đơn giản, nhưng có rất nhiều vấn đề đặt ra, bởi nó là vấn đề về luật pháp mà khi gặp phải thì buộc phải thực hiện. Mới đầu, nhìn các ngân hàng cho vay và nhận thế chấp bằng bất động sản, tưởng như đơn giản và không mấy rủi ro, nhưng thực tế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro để lấy lại được quyền lợi chính đáng. Để xử lý nợ xấu, theo ông Phát, cần đảm bảo quyền tài sản của người thế chấp, xây dựng quyền lợi bên nhận thế chấp tài sản và sự minh bạch hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng tín dụng. Không xây dựng hợp đồng như xây dựng bộ luật, mà phải phân loại rõ quyền, nghĩa vụ của các bên.
Mai Anh / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2025
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/thao-diem-nghen-trong-xu-ly-no-xau-post372493.html