Từ sáng sớm 5/7, 4 xe cuốc, 2 cần cẩu, 2 sà lan, 1 xe ben cùng 10 công nhân kỹ thuật đã có mặt tại công trường phá dỡ cầu Ô Môn. Trong đó, 2 xe cuốc đục phá bê tông mặt cầu, 2 xe cuốc còn lại bốc dỡ, thu gom sà bần đưa lên xe vận chuyển đến nơi tập kết.
Ông Nguyễn Khắc Dũng - đại diện đơn vị thực hiện phá dỡ cầu cũ cho biết, trước mắt sẽ tập trung đục phá toàn bộ bê tông nhựa mặt cầu, thu gom vật liệu ra khỏi công trường, dự kiến hoàn thành trong 3 ngày nếu thời tiết thuận lợi. Sau đó, nhà thầu sẽ cắt cáp kết nối giữa các dầm bê tông, tách dầm để cẩu nguyên khối, rồi phá trụ cầu, mố cầu, nhỏ cọc. "Khó khăn nhất là phá trụ và cọc cầu cũ, vì bên dưới sông có rất nhiều cọc bê tông và cọc gỗ, ngoài ra còn có một nhịp cầu bê tông bị sập nằm dưới đáy sông từ lâu, phải tiến hành trục vớt,” ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, các phần việc ban đầu diễn ra thuận lợi, giao thông vẫn bình thường qua cầu tạm, không ùn tắc. Dưới sông, đơn vị cũng lập trạm điều tiết ghe, thuyền hai đầu công trường, bố trí phao phân luồng để ghe tàu đi đúng tuyến. “Hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc phá dỡ, chúng tôi cần khoảng 30 ngày", ông Dũng cho biết thêm.
Cầu Ô Môn sẽ được mới tại vị trí cầu cũ, có tổng vốn đầu tư hơn 135 tỷ đồng, thuộc công trình cầu đường bộ cấp III, khổ thông thuyền 30x6m, mặt cầu rộng 12m, gồm 7 nhịp, tĩnh không 3,5m. Công trình nằm trong gói thầu xây dựng mới năm cầu trên địa bàn TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, thuộc dự án Nâng tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam), do Ban Quản lý dự án Hàng hải và Đường thủy làm chủ đầu tư.
Để đảm bảo giao thông trong quá trình thi công, từ ngày 30/6 - 31/12/2025, cầu tạm Ô Môn bằng kết cấu sắt, gồm 7 nhịp, được dựng song song với cầu cũ, có độ rộng và tĩnh không tương đương, đảm bảo lưu thông hai chiều. Ban Quản lý dự án lưu ý, các phương tiện qua khu vực thi công phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của lực lượng điều tiết và hệ thống biển báo.
Nhật Huy