Tháo gỡ 2 điểm nghẽn lớn để đồng bằng sông Cửu Long phát triển

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn lớn để đồng bằng sông Cửu Long phát triển
2 giờ trướcBài gốc
Tại cuộc tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ thông báo về nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8 và một số kết quả thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất và chế biến; tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố 9 tháng năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ. Ảnh MT
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri nêu các kiến nghị liên quan việc triển khai các dự án ứng phó biến đổi khí hậu kết hợp chỉnh trang đô thị Cần Thơ; hỗ trợ người dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn hoặc có giải pháp công trình gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở; tăng mức hỗ trợ để nông dân và người lao động tự do có cơ hội tham gia BHXH nhiều hơn.
Cụ thể, cử tri Phạm Văn Thịnh (Hội viên Hội Nông dân phường Long Hòa, quận Bình Thủy) nêu vấn đề, trong những năm gần đây tình hình ngập trên địa bàn TP Cần Thơ diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Thời gian qua, Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng thích ứng đô thị theo quyết định của Thủ tướng đã mang lại nhiều hiệu quả về xã hội, về môi trường và cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, kết quả này bước đầu chỉ thích ứng, bảo vệ được hơn 10% diện tích vùng lõi trung tâm, khu vực ven trung tâm còn ngập sâu.
Vì thế, cử tri kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội và Thủ tướng quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo đầu tư thực hiện từ nguồn kinh phí của Bộ, ngành Trung ương, Chính phủ để nhanh nhất có thể thực hiện Dự án TP Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ người dân những nơi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn hoặc có giải pháp công trình gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống người dân.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh MT
Cử tri Nguyễn Minh Lâm (Hội viên Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ) cho rằng, đến nay đã hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số chính sách cơ chế đặc thù phát triển TP Cần Thơ.nhưng vẫn còn một số chính sách đặc thù vẫn chưa cụ thể hóa triển khai thực hiện, như Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ chưa được thành lập.
“Vì thế cử tri kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội TP cũng như các ngành chức năng thông tin về tiến độ cụ thể hóa nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ đến nay như thế nào. Vì sao tiến độ thực hiện còn chậm?” – cử tri đề nghị.
Phát biểu với cử tri, Thủ tướng đánh giá các ý kiến cử tri đều phản ánh sự tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng, thẳng thắn và tin tưởng; các nội dung cử tri đề cập, kiến nghị rất sát với thực tiễn, đúng và trúng với vấn đề xã hội quan tâm.
Làm rõ thêm các nội dung mà cử tri đề cập, Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách với ngành nông nghiệp nói chung và với ĐBSCL nói riêng, như Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL; Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu...
Cử tri nêu các kiến nghị liên quan việc triển khai các dự án ứng phó biến đổi khí hậu kết hợp chỉnh trang đô thị Cần Thơ; hỗ trợ người dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn hoặc có giải pháp công trình gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở . Ảnh MT
"ĐBSCL có 2 điểm nghẽn là về hạ tầng và nhân lực. Chúng ta phải nỗ lực để tới hết năm 2025, hoàn thành xây dựng khoảng 600 km cao tốc tại ĐBSCL, xây dựng nâng cấp, cải tạo sân bay Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc… Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại ĐBSCL. Tháo gỡ được 2 điểm nghẽn lớn này thì ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ." - Thủ tướng nhận định.
Theo đó, về nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, cần phải "thổi hồn vào cây lúa" bằng công nghệ số, phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh. Riêng về tín dụng, Chính phủ rất quan tâm, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo và ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chương trình tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có vùng ĐBSCL.
Để phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL, Thủ tướng lưu ý cần quan tâm các nội dung: Quy hoạch vùng nguyên liệu; xây dựng thương hiệu phân khúc chất lượng cao; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; huy động nguồn vốn… Đồng thời, dứt khoát phải cơ giới hóa, điện khí hóa, chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương triển khai dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ.
Về ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở, sụt lún, khô hạn và ngập úng; riêng năm 2023 đã chi hơn 4.000 tỷ đồng để ứng phó sạt lở tại khu vực này, đồng thời triển khai nhiều dự án lớn như thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé... Với người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, Thủ tướng chỉ rõ tinh thần là địa phương sử dụng ngay ngân sách để hỗ trợ.
Ngọc Phạm
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/thao-go-2-diem-nghen-lon-de-dong-bang-song-cuu-long-phat-trien.html