Tháo gỡ bài toán giá điện

Tháo gỡ bài toán giá điện
4 giờ trướcBài gốc
Ảnh: Minh họa
EVN lý giải cho sự tăng giá nhằm cân bằng tài chính cho ngành điện, bởi giá bán bình quân thực tế đã biến động hơn 3%, mức được điều chỉnh theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg về quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo EVN, năm 2023, mua bán điện thuần túy khiến tập đoàn lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có một số nguồn thu khác cũng trong sản xuất, kinh doanh điện là 12.423,4 tỷ đồng, nên xét chung cả năm 2023, con số lỗ là 21.821,56 tỷ đồng. Năm 2022, tập đoàn này lỗ gần 36.300 tỷ đồng từ hoạt động mua bán điện. Nếu cộng cả khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá treo từ năm 2019 (hơn 18.000 tỷ đồng), EVN lỗ hơn 76.000 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD) trong hai năm 2022-2023.
Bộ Công thương khẳng định, thực tế điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua thường thấp hơn so với phương án đề xuất của EVN và kết quả rà soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi các chi phí phát sinh chưa được tính hoặc chưa được tính đủ vào giá điện.
Trước thực tế này, các chuyên gia khuyến nghị, tình trạng “mua cao, bán thấp”, đầu vào theo thị trường nhưng đầu ra lại không quyết đủ theo các chi phí đã tính đúng, đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất, kinh doanh điện, dẫn tới nhiều bất cập, hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện và các ngành sử dụng điện nói riêng và cho cả nền kinh tế nói chung.
Luật Điện lực hiện hành quy định “Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng”. Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định chính sách về việc giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giữa các vùng miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện; áp dụng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ năng lượng cao.
Sau gần 20 năm triển khai thi hành, Luật Điện lực hiện hành cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung, điện lực nói riêng, đáp ứng mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Việt Nam sẽ cần gần 135 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện truyền tải đến năm 2030. Nhu cầu vốn cho phát triển nguồn, lưới tăng lên 399-523 tỷ USD vào năm 2050, trong đó, hơn 90% dành cho xây mới các nguồn điện, còn lại là lưới truyền tải. Nguy cơ thua lỗ kéo dài của ngành điện sẽ không tạo được động lực thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân, cũng như gây ảnh hưởng đến uy tín tài chính của EVN khi vay vốn, dẫn tới khó khăn trong triển khai quy hoạch phát triển điện trung, dài hạn.
Điều chỉnh giá điện là việc cần, song điều chỉnh như thế nào cho phù hợp là điều các cơ quan quản lý cũng như EVN cần phải kế thừa những nguyên tắc đang được quy định tại Luật Điện lực và tiếp tục bổ sung chính sách phù hợp theo hướng giá điện đảm bảo phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực và được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực. Bên cạnh đó, bổ sung chính sách giá điện đảm bảo khuyến khích khách hàng sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.
Dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10% sẽ tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,33%. Như vậy, muốn giải quyết bài toán giá điện, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch và lộ trình về mức độ và thời điểm nhằm bảo đảm tính thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát, vẫn cần những tháo gỡ từ cơ chế.
Hoàng Lâm
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/thao-go-bai-toan-gia-dien-post482743.html