Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kết luận buổi làm việc
Buổi làm việc nhằm khảo sát phục vụ thẩm tra Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Hải Minh; Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Thị Sửu làm việc cùng đoàn.
Huế có nền tảng hạ tầng đường sắt tốt
Mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN & MT Tạ Đình Thi cho biết, khảo sát, đánh giá đúng thực tế phát triển hệ thống đường sắt ở các địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách pháp luật, hướng tới xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp.
Nhấn mạnh đến 5 nhóm chính sách trong dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), ông Thi đặc biệt lưu ý đến nhóm chính sách phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. “Đây là nhóm chính sách nổi bật, trong đó, cách thức huy động, tổ chức nguồn lực, cơ chế hợp tác giữa các khu vực công tư, đầu tư nước ngoài như thế nào cần được làm rõ”, ông Thi nói.
Theo ông Thi, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Do vậy, vấn đề kết cấu hạ tầng đường sắt đóng vai trò quan trọng.
Về kinh doanh đường sắt, ông Thi nhấn mạnh đến mô hình đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng bước đầu hiệu quả. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh doanh thực sự cần bàn thêm các giải pháp.
Thông tin tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, hiện trạng tuyến đường sắt Bắc - Nam qua thành phố Huế với chiều dài 112,5km gồm 10 ga, công trình trên tuyến có 7 hầm và 109 cầu.
Ông Tuấn cho rằng, sự kết nối giữa đường sắt Bắc - Nam với đường bộ tương đối tốt. Hiện, các địa phương đang khẩn trương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các đường gom kết nối vào hầm chui, đường ngang thuộc đường sắt Bắc – Nam.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành của thành phố Huế kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt đối với đoạn đường sắt, dự án đường sắt qua địa bàn thành phố…
Liên quan quan đến dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), thành phố Huế đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh các điều khoản của Luật Đường sắt hiện hành để phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành đường sắt.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Hải Minh phát biểu tại buổi làm việc
Cụ thể, để phù hợp với các quy hoạch liên quan, thành phố đề nghị điều chỉnh khoản 3, Điều 16 như sau: “Cảng hàng không quốc tế có công suất từ 30 triệu hành khách/năm trở lên, cảng biển loại I trở lên và cảng cạn, cảng thủy nội địa có công suất từ 40.000 TEU/năm trở lên tại các tỉnh/thành phố có đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương đi qua phải có kết nối với đường sắt để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường”.
Sửa đổi Luật Đường sắt là nhiệm vụ cấp bách
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác cho rằng, Huế nằm trên tuyến đường sắt Bắc – Nam huyết mạch. Ga Huế là một trong những nhà ga lớn nhất cả nước, giữ vai trò đầu mối trong vận tải hành khách, hàng hóa đặc biệt quan trọng đối với vùng và quốc gia. Tuyến đường sắt chạy song song Quốc lộ 1A, kết nối thuận lợi với đường bộ…
Tuy nhiên, các thành viên đoàn công tác lưu ý tính kết nối giữa Ga Huế đến cảng Chân Mây, Sân bay Phú Bài còn yếu; cần quan tâm đường sắt đô thị; đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu đường sắt; quy hoạch thêm các bãi trung chuyển; xóa bỏ lối đi tự mở; giải quyết dứt điểm các điểm đen tai nạn giao thông; đầu tư các đường gom…
Theo TS. Trần Văn Khải, ĐBQH, Ủy viên Ủy ban KH, CN & MT của Quốc hội, quản lý đường sắt chủ yếu tập trung ở cấp Trung ương, địa phương chưa được chủ động, nhiều công việc phải chờ ý kiến bộ, ngành nên triển khai chậm. Nguồn ngân sách Nhà nước hạn hẹp, ưu tiên chưa cao cho đường sắt khiến hạ tầng chậm được nâng cấp, mở rộng. Các dự án kết nối hay đảm bảo an toàn thiếu nguồn lực thực hiện. Quy định pháp lý chưa trao đủ thẩm quyền cho địa phương trong quản lý, bảo trì đường sắt. Chính quyền tỉnh, thành khó tham gia đầu tư các hạng mục đường sắt trên địa bàn do vướng luật, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” – việc gì cũng trông chờ Trung ương, hiệu quả quản lý thấp.
“Những vấn đề tồn tại ở Huế cũng là bức tranh thu nhỏ của cả nước. Thành phố Huế cần chủ động, tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương triển khai hiệu quả Luật Đường sắt (sửa đổi) sau khi được thông qua”, ông Khải nhấn mạnh.
Sửa đổi Luật Đường sắt sẽ tạo động lực phát triển mới cho ngành đường sắt
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Hải Minh đã tiếp thu ý kiến, làm rõ thêm một số nội dung của đoàn công tác nêu. Trong các khó khăn thực tại, ông Minh nhấn mạnh về nguồn lực đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục pháp lý thi công đường sắt.
Ông Hoàng Hải Minh cũng kiến nghị về cơ chế thuê toa, tàu; cơ chế hợp tác với đơn vị vận hành trong quá trình khai thác mô hình đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN &MT Tạ Đình Thi khẳng định, việc sửa đổi Luật Đường sắt vào thời điểm này là vô cùng cần thiết, cấp bách. Luật mới sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển đột phá của ngành đường sắt Việt Nam trong giai đoạn tới; hoàn thiện khung pháp lý để tháo gỡ các bất cập và tạo điều kiện bứt phá cho ngành đường sắt; điều chỉnh các quy định cứng nhắc trong dự thảo luật; đầu tư kết nối đồng bộ các phương thức vận tải; phân cấp, ủy quyền hợp lý cho địa phương.
Đối với những kiến nghị của Huế, ông Tạ Đình Thi ghi nhận, tiếp thu và đề nghị các cơ quan liên quan xem xét giải quyết.
LÊ THỌ