Quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH công lập vẫn bị hạn chế
Thực hiện quyền tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các cơ sở GDĐH đã chủ động trong huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giảng viên, mở thêm ngành đào tạo và tăng quy mô đào tạo để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học và thị trường lao động. Tổng quy mô đào tạo trình độ đại học năm 2024 đạt 2,3 triệu sinh viên, tăng 37% so với năm 2019 và đạt 230 sinh viên trên 1 vạn dân.
Việc thực hiện tự chủ đại học đã tạo ra một bước chuyển biến mạnh trong mô hình và phương thức tổ chức, quản trị và hoạt động của các cơ sở GDĐH, từ tập trung hành chính bao cấp và kế hoạch sang phân cấp, dịch vụ và tiếp cận thị trường. Nếu như trước đây, các cơ sở GDĐH chủ yếu thực hiện theo kế hoạch do các cơ quan chủ quản giao và theo các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước, thì nay lãnh đạo các trường đã tự xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, chiến lược để phát triển, nỗ lực cạnh tranh để thu hút nguồn lực đầu tư từ Nhà nước và xã hội. Các cơ sở GDĐH được tự chủ đi kèm với trách nhiệm giải trình trong tuyển sinh theo hướng linh hoạt, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh phù hợp với đặc thù ngành nghề, định hướng phát triển của từng trường và bảo đảm công bằng, minh bạch tạo niềm tin cho xã hội...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quyền tự chủ của cơ sở GDĐH công lập theo quy định của Luật GDĐH thực tế bị hạn chế bởi các quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) chất vấn. Ảnh nguồn: quochoi.vn
Tự chủ đại học là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của giáo dục đại học. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác đào tạo, lĩnh vực công nghệ cao như: thiếu các chính sách hợp tác công tư trong đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ cao, cơ chế hỗ trợ trong lĩnh vực hợp tác đào tạo, chính sách thu hút giảng viên chất lượng cao.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An)
Lý giải về điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, các cơ sở GDĐH công lập cũng là các đơn vị sự nghiệp công lập, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau, như Luật Giáo dục đại học; Luật Giáo dục; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Ngân sách, Luật Viên chức... và các nghị định có liên quan. Điều này dẫn đến nhiều vướng mắc do có sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ giữa các quy định của Luật Giáo dục đại học với các văn bản quy phạm pháp luật khác, nhất là trong thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH về tổ chức bộ máy, tài chính, tài sản và đầu tư.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục đại học quy định quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH tại rất nhiều điều khoản khác nhau, tuy nhiên “điều kiện thực hiện tự chủ” quy định tại Điều 32 cũng chỉ liên quan tới tự chủ mở ngành và tự chủ liên kết đào tạo, không liên quan tới khả năng tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên. Luật Giáo dục đào tạo chỉ hạn chế quyền tự chủ về tài chính đối với cơ sở GDĐH chưa tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên theo quy định tại Điều 65 về xác định mức học phí và Điều 66 về quản lý tài chính. Trong khi đó, quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập về tổ chức bộ máy và thực hiện nhiệm vụ theo các quy định hiện hành vẫn gắn chặt với “mức độ tự chủ tài chính”. Tất cả cơ sở GDĐH công lập vẫn phải xây dựng “đề án tự chủ” trình cơ quan quản lý trực tiếp phê duyệt để được thực hiện những nội dung tự chủ theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc quy định về điều kiện tự chủ và các mức tự chủ theo khả năng bảo đảm tài chính đã dẫn đến nhiều hạn chế trong thực tiễn. Cách tiếp cận này gây bất bình đẳng giữa các cơ sở GDĐH, đồng thời, tạo áp lực tăng học phí, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người học và làm giảm động lực cải tiến ở các cơ sở GDĐH chưa đủ tiềm lực tài chính, khiến tự chủ bị hạn chế về phạm vi và thiếu bền vững.
Tự chủ của các trường không nên lệ thuộc vào mức độ tự chủ tài chính
Tự chủ đại học là vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm bởi liên quan sát sườn đến quyền lợi sinh viên và của chính các trường đại học. Do đó, cần có chính sách hợp lý, giải quyết thấu đáo để tháo gỡ khó khăn cho các trường đại học thực hiện tự chủ.
Trên diễn đàn Quốc hội, vấn đề tự chủ của các trường đại học tiếp tục được đặt ra ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua. Cho rằng tự chủ đại học trong thời gian qua đã được tiến hành tốt, đem lại “sức sống”, sự phát triển cho các trường đại học, tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng thẳng thắn chỉ rõ, chúng ta hiện đang lấy tài chính làm chuẩn cho tự chủ ở các trường đại học, điều này có những bất cập. Do đó, thời gian tới một số nội dung về tự chủ đại học sẽ được hoàn thiện và điều chỉnh. Trong đó, sửa đổi Luật Giáo dục đại học theo hướng cơ chế tự chủ mới của các trường đại học phải được tính toán không phụ thuộc vào mức độ tự chủ về tài chính để bảo đảm quyền tự chủ của các trường đại học được tốt hơn.
“Làm sao để mức độ tự chủ của các trường đại học phải độc lập, không lệ thuộc vào mức độ tự chủ của tài chính, Nhà nước sẽ xem xét việc tùy theo các ngành, nghề, theo nhu cầu để có thể đặt hàng hoặc nếu hỗ trợ thì sẽ hỗ trợ thông qua người học bằng các cơ chế học bổng và hỗ trợ thì các trường học sẽ có được cơ chế tự chủ đầy đủ hơn, sâu hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Để khắc phục những điểm nghẽn về tự chủ đại học, trong sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này, một trong những vấn đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị sửa đổi đó là quy định giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH công lập trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách, nhằm khắc phục những vướng mắc trong quy trình, thủ tục xin phê duyệt các dự án hợp tác với nước ngoài.
Bên cạnh đó, để phát huy quyền tự chủ đại học của cơ sở giáo dục được quyền thuê đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc, Bộ cũng đề nghị bổ sung chính sách phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc, chính sách đặc thù cho nhà khoa học đầu ngành; cơ chế đãi ngộ và thu hút tài năng trong và ngoài nước, gắn với hiệu quả nghiên cứu, công bố quốc tế.
Để thực hiện hiệu quả tự chủ đại học, việc sửa đổi Luật bảo đảm quyền tự chủ thực chất về học thuật, tài chính, tổ chức bộ máy. Có như vậy, các trường đại học mới phát huy được nội lực, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Hà An