Tháo gỡ điểm nghẽn, để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phát triển: Bài cuối: Cần cơ chế chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư

Tháo gỡ điểm nghẽn, để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phát triển: Bài cuối: Cần cơ chế chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư
8 giờ trướcBài gốc
Ông Trịnh Ngọc Chung.
PV: Thưa ông, sau hơn 10 năm triển khai, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phát huy vai trò như thế nào trong việc bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc?
Ông Trịnh Ngọc Chung: Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã bước đầu phát huy vai trò là “ngôi nhà chung” góp phần bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Thông qua các hoạt động, Làng đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và tái hiện không gian văn hóa dân tộc, với nhiều công trình kiến trúc truyền thống được phục dựng, phản ánh chân thực đời sống sinh hoạt, phong tục, tín ngưỡng của từng vùng miền. Thông qua các hoạt động như lễ hội dân gian, trình diễn nghệ thuật, giới thiệu nghề thủ công, ẩm thực, Làng tạo nên một không gian văn hóa sống động - nơi du khách có thể trải nghiệm, cảm nhận và thấu hiểu chiều sâu bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong quy hoạch chung của Làng Văn hóa có những khu xác định là không gian bảo tồn văn hóa các dân tộc Việt Nam, cũng có những không gian dành cho khu chức năng, như khu dịch vụ du lịch, khu vui chơi giả trí… Đó không chỉ một mô hình hướng tới việc bảo tồn văn hóa truyền thống mà xây dựng một mô hình tổng hợp để phát triển cả về mặt kinh tế trong góc nhìn của văn hóa.
Dù được quy hoạch rõ các khu chức năng có thể xã hội hóa, nhưng đến nay kết quả thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. Thưa ông, phải chăng đang thiếu những chính sách đặc thù và thẩm quyền thực tế để thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam?
Khi nói đến vấn đề thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa phải xác định đó là những khu chức năng đã được quy hoạch thu hút đầu tư. Đối với Làng Văn hóa có các khu vui chơi giải trí, khu du lịch dịch vụ tổng hợp, khu công viên bến thuyền… đây là những khu được xác định thu hút đầu tư từ ngân sách ngoài nhà nước.
Thời gian qua đã có các nhà đầu tư quan tâm, Làng Văn hóa cũng rất tích cực tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, nhưng cho đến thời điểm hiện nay, kết quả chưa được như mong đợi. Có một số nguyên nhân, một phần là xuất phát từ những vướng mắc về cơ chế, chính sách… Nếu được áp dụng các cơ chế đặc thù tương tự như khu kinh tế, chắc chắn Làng Văn hóa sẽ có sức hút lớn hơn với các nhà đầu tư.
Ban Quản lý Làng Văn hóa trước đây cho phép Trưởng Ban quản lý được phê duyệt quy hoạch, được cấp chứng nhận đầu tư, được giao đất, cho thuê đất. Thế nhưng một số luật sau này lại không cập nhật những nội dung liên quan đến Ban Quản lý Làng Văn hóa, nhất là Luật Đầu tư. Chính vì vậy, khi triển khai xúc tiến đầu tư bị vướng giữa thẩm quyền của Ban Quản lý Làng Văn hóa trước đây với các luật hiện hành. Hay khi chúng tôi rà soát các quy định của Luật Đầu tư bằng phương pháp đối tác công tư (PPP) năm 2020, thì trong các danh mục lĩnh vực đầu tư lại không có văn hóa. Bởi vậy thiếu đi một phương thức thu hút đầu tư.
Các quy định đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực văn hóa chưa có cơ chế chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư. Trong khi đầu tư vào các dự án của Làng Văn hóa cần lượng vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn lại dài, nếu không có những cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư thì sẽ là hạn chế lớn đối với việc thu hút đầu tư.
Đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu tìm hiểu đầu tư vào Làng Văn hóa, tuy nhiên do vướng chính sách nên chưa thực hiện được. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, hiện chúng tôi đang xây dựng báo cáo tổng thể công tác đầu tư, vận hành, khai thác, thu hút đầu tư của Làng Văn hóa để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Khu làng dân tộc Ba Na nhìn từ trên cao. Ảnh: Làng Văn hóa.
Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam thành lập từ tháng 3/2025, Cục trưởng có thể cho biết về chức năng, nhiệm vụ của Cục, đặc biệt là của Làng Văn hóa - đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục -trong điều kiện mới, khi không còn Ban Quản lý Làng Văn hóa?
Cục Văn hóa các dân Việt Nam thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Làng Văn hóa và Vụ Văn hóa dân tộc, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cục kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cả hai đơn vị trên về quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa các dân tộc thiểu số trên phạm vi toàn quốc. Đây là cơ sở để chúng tôi nghiên cứu và đề xuất những cơ chế, chính sách cho việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc ở các địa phương.
Chính từ những cơ chế, chính sách này sẽ giúp cho việc huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động bảo tồn văn hóa tại Làng Văn hóa được tốt hơn, hiệu quả hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đến với cộng đồng, du khách.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Sỹ (thực hiện)
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/thao-go-diem-nghen-de-lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-nam-phat-trien-bai-cuoi-can-co-che-chinh-sach-uu-dai-cho-nha-dau-tu-10310998.html