Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 200 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT, KDC sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó 96 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, chưa lựa chọn nhà thầu, chưa thi công xong; 80 dự án đã lựa chọn nhà thầu thi công và đang thi công; 58 dự án hoàn thành thi công nhưng chưa quyết toán; 10 dự án đã quyết toán. Đến nay, việc triển khai các dự án gặp khó khăn. Nguyên nhân là do từ ngày 1/8/2024, quy định tại Điều 30, 31, 113 của Luật Nhà ở năm 2023 không cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công để đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật KĐT, KDC tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất cho người dân tự xây nhà ở. Tại Điều 98 Luật Nhà ở năm 2023 không quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp sử dụng vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng các KĐT, KDC đã và đang triển khai thực hiện (đã lập, phê duyệt chủ trương đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đang thi công).
Từ ngày 1/8/2024, các dự án đầu tư hạ tầng KĐT, KDC không được sử dụng vốn đầu tư công. Ảnh: Hạ tầng Khu dân cư mới tại thị trấn Nham Biền (Yên Dũng).
Theo ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, toàn huyện có hơn 30 dự án KĐT, KDC, trong đó có một số dự án đã thi công xong nhưng chưa quyết toán; dự án đã giải phóng mặt bằng, giao đất, đang thi công; phê duyệt chủ trương đầu tư. Từ khi Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực, huyện đã dừng việc phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án. Với dự án đã triển khai, thời gian tới, huyện sẽ nghiên cứu để tiếp tục thực hiện bảo đảm tuân thủ theo quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Việt Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Một số dự án trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi sau ngày 1/8/2024 (đơn cử điểm dân cư thôn Tân An, xã An Thượng, huyện Yên Thế), Sở Xây dựng đã trả lại hồ sơ do dự án không phù hợp với quy định về các loại hình nhà ở phát triển theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nguồn vốn không phù hợp quy định của Luật Nhà ở năm 2023. Sở xác định việc giải quyết tồn tại đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật KĐT, KDC là nhiệm vụ hết sức quan trọng nên luôn chủ động bám sát Bộ Xây dựng”.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 200 dự án KĐT, KDC. Trong đó 96 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, chưa lựa chọn nhà thầu, chưa thi công xong; 80 dự án đã lựa chọn nhà thầu và đang thi công; 58 dự án hoàn thành thi công nhưng chưa quyết toán; 10 dự án đã quyết toán.
Được biết, ngày 14/8/2024, Sở Xây dựng đã có công văn xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đến nay Bộ chưa có văn bản trả lời. Cũng theo ông Phong, để kịp thời giải quyết các vướng mắc, ngày 7/11/2024, Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành và 10 huyện, thị xã, TP rà soát, nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ và triển khai thực hiện dự án KĐT, KDC. Qua các ý kiến đề xuất, thảo luận, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó thống nhất không phê quyệt chủ trương đầu tư thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật KĐT, KDC sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 1/8/2024. Đồng thời đề xuất đối với dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, chưa lựa chọn nhà thầu thi công, UBND các huyện, thị xã, TP rà soát các thủ tục pháp lý để dừng không triển khai các bước tiếp theo, tránh lãng phí nguồn vốn Nhà nước.
Với dự án đã lựa chọn nhà thầu, đang thi công xây dựng cần rà soát toàn bộ trình tự thủ tục đầu tư như: Quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển nhà ở. Trường hợp phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó xác định rõ vị trí phải xây dựng nhà ở để bán hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Luật Nhà ở năm 2023. Sau khi hoàn thành dự án tiến hành đấu giá lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định... Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục kết nối với cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng để được hướng dẫn, tháo gỡ việc triển khai các dự án nêu trên bảo đảm phù hợp các quy định của pháp luật.
Luật Nhà ở năm 2023 không hướng dẫn đối với các dự án thực hiện chuyển tiếp giữa quy định cũ và mới đã gây nhiều khó khăn cho địa phương. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác (nếu có)... Hy vọng, những rào cản trong thực hiện các dự án KĐT, KDC trước khi Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực của tỉnh Bắc Giang nói riêng, cả nước nói chung sẽ sớm được xem xét, giải quyết, tạo động lực phát triển.
Bài, ảnh: Trường Sơn