Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động tín dụng

Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động tín dụng
7 giờ trướcBài gốc
Trước những khó khăn, thách thức do tình hình kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn nhiều biến động, để thúc đẩy tăng trưởng, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của toàn hệ thống.
Vietinbank chi nhánh Vĩnh Phúc triển khai nhiều gói vay ưu đãi, đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Trong cơ cấu dư nợ cho vay, chủ yếu là cho vay bằng Việt Nam đồng, chiếm tỷ lệ hơn 97,9%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngoại tệ chỉ chiếm 2,01%/tổng dư nợ, theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước về hạn chế cho vay ngoại tệ trong nền kinh tế.
Các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng đối với những lĩnh vực đặc thù như cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới; cho vay doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ... đều có mức tăng trưởng khá đã góp phần tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân, hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn.
Mặc dù ngành Ngân hàng đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng từ 10 - 12%, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn ngân hàng để duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các thời điểm vẫn không đồng đều.
Nguyên nhân do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, sức hấp thụ vốn thấp trong khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao. Thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp bị suy giảm, doanh thu của khách hàng vì thế cũng suy giảm, không còn tài sản thế chấp để mở rộng nguồn vốn vay dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, thậm chí còn thu xếp để trả các khoản vay cũ.
Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc tích cực hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: Chu Kiều
Một số khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng hồ sơ không đủ điều kiện để xét duyệt cho vay vì phương án/dự án sản xuất, kinh doanh không hiệu quả. Cùng với đó, tình hình tài chính, quản trị doanh nghiệp hạn chế; dòng tiền không ổn định, không chứng minh được nguồn tiền để trả nợ.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đang phải chịu áp lực nợ xấu tăng cao do nhiều khách hàng gặp khó khăn về tài chính trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến không còn khả năng trả nợ đúng hạn. Vì vậy, các tổ chức tín dụng sẽ càng thận trọng hơn trong việc cấp tín dụng mới.
Thực tế, tình hình nợ xấu toàn địa bàn có xu hướng tăng về số tuyệt đối. Một số tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ do phần lớn tài sản đảm bảo của khách hàng là bất động sản. Trong khi đó, thị trường bất động sản đang trầm lắng, thanh khoản thấp, thậm chí tại một số phân khúc không có giao dịch. Việc thu hồi nợ đến hạn, nợ sau xử lý cũng gặp nhiều khó khăn do một số khoản nợ trong quá trình tố tụng nhưng thời gian xử lý của tòa án kéo dài.
Ngoài ra còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn và trả nợ vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý của các dự án, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng. Thời gian giải phóng mặt bằng bị kéo dài, doanh nghiệp chưa được cấp phép xây dựng, do đó không đủ điều kiện để vay vốn. Khó khăn trong việc chứng minh tài sản gắn liền trên đất (nhà bảo vệ, tường rào, trạm biến áp...) thuộc sở hữu của doanh nghiệp, do vậy đơn vị chức năng không có căn cứ xác nhận đăng ký đảm bảo bằng tài sản gắn liền trên đất đối với những tài sản này. Vì vậy, các ngân hàng thương mại sẽ không mở rộng được hạn mức cho vay.
Theo ông Hoàng Duy Chinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, để giữ vững sự ổn định thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đầy đủ, đúng tinh thần các nhiệm vụ, giải pháp tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh về công tác tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
Theo đó, tập trung tăng cường tín dụng an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Thường xuyên triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Phối hợp tốt với chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh.
Từng bước tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay để phấn đấu giảm từ 1 - 2%/năm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Thành An
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122556//thao-go-kho-khan-cho-hoat-dong-tin-dung