GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu khai mạc.
Ngày 16/11, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá và triển khai Dự án Lập nghiệp và Khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam theo mô hình của Cộng hòa Liên bang Đức.
Lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, lập nghiệp
Phát biểu khai mạc, GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, khởi nghiệp đã được giảng dạy cho sinh viên trong trường.
Thời gian qua, nhà trường đã thực hiện chủ trương hài hòa giữa đào tạo tri thức chuyên sâu, nền tảng vững chắc với việc trang bị cho sinh viên tinh thần linh hoạt, chủ động, thích ứng nhanh với thực tế xã hội. Bên cạnh việc viên nghiên cứu các chính sách, nhà trường đặc biệt theo dõi xu hướng tốt nghiệp và cơ hội việc làm của sinh viên.
Theo đó, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn không chỉ làm việc trong các lĩnh vực được đào tạo, mà còn làm việc ở nhiều lĩnh vực khác. Nhiều sinh viên đã có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ dựa trên nền tảng tri thức được trang bị tại nhà trường.
“Rõ ràng, tư duy về ngành nghề của sinh viên đã thay đổi, các em tự kiến lập đường đi, tự tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt” - GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhìn nhận và cho biết, học phần khởi nghiệp được đào tạo chính thức trong Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn từ nhiều năm nay.
Qua đó, nhằm lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, lập nghiệp và chuẩn bị cho các em sinh viên tâm thế sẵn sàng hội nhập, khởi nghiệp.
Việc hợp tác với Quỹ Đào Minh Quang trong việc triển khai Dự án lập nghiệp và khởi nghiệp bền vững tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chính là cụ thể hóa chủ trương trên của nhà trường.
Vẫn còn khó khăn
Sinh viên đặt nhiều câu hỏi cho các chuyên gia.
Viện dẫn, một số khó khăn mà sinh viên gặp phải khi khởi nghiệp, TS Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho hay, thiếu vốn đầu tư là trở ngại lớn đối với sinh viên.
Mặc dù đã có nhiều quỹ hỗ trợ, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các dự án khởi nghiệp mới. Theo thống kê từ Trung tâm Khởi nghiệp Quốc gia, 80% các dự án khởi nghiệp của sinh viên gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư. Có khoảng 30% dự án nhận được hỗ trợ tài chính từ các quỹ đầu tư hoặc các tổ chức tài chính.
Ngoài ra, sinh viên thường thiếu kỹ năng quản lý và kinh doanh, dẫn đến việc không thể duy trì hoạt động của dự án khi gặp khó khăn. Các khóa học và chương trình đào tạo thực tế cần được tăng cường để cải thiện vấn đề này.
Thiếu sự kết nối với nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng là vấn đề mà sinh viên gặp phải, TS Mạc Quốc Anh viện dẫn. Việc này đòi hỏi cần có nhiều sự kiện networking hơn để kết nối các bên.
Tối ưu vai trò của các trường đại học
TS Nguyễn Thị Hải Hà tham luận tại hội thảo.
Nhằm tối ưu vai trò của các trường đại học trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, TS Nguyễn Thị Hải Hà, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong quá trình khởi nghiệp của sinh viên và cựu sinh viên; đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi ý tưởng mới được hình thành và phát triển.
Trường đại học là nơi khởi nguồn ý tưởng, giáo dục và hướng dẫn sinh viên về các khía cạnh bền vững và trách nhiệm xã hội trong khởi nghiệp. Nhà trường có thể tích hợp các yếu tố bền vững vào chương trình đào tạo và tổ chức các khóa học về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) và khởi nghiệp bền vững. Điều này giúp sinh viên xây dựng các dự án không chỉ thành công về mặt kinh doanh mà còn có tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Ông Triệu Thế Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội viện dẫn, theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, cả nước hiện có khoảng 3.800 startup đang hoạt động.
Ông Triệu Thế Hùng phát biểu tại hội thảo.
Ông Triệu Thế Hùng khuyến nghị, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý về chính sách khởi nghiệp, hỗ trợ lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp với thanh niên; Hoàn thiện chính sách, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp chính quyền trong quá trình khởi nghiệp;
Việc xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cần phân chia rõ các lĩnh vực cũng như cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương; các chính sách trước khi ban hành cần tham vấn của nhiều bên.
TS Đào Minh Quang – người sáng lập Quỹ Đào Minh Quang cho hay, để bảo đảm các doanh nghiệp được thành lập và có thể tồn tại, phát triển bền vững, người lập nghiệp, khởi nghiệp phải có kiến thức chuyên môn, thái độ cầu thị và ham học hỏi…
“Tôi muốn đóng góp vào lĩnh vực giáo dục phổ thông, đào tạo nghề, đào tạo đại học và khoa học. Với sự trợ giúp của Quỹ Đào Minh Quang, thông qua các hoạt động từ thiện trong đào tạo và cung cấp truyền bá kiến thức, phương pháp luận, tôi mong sinh viên có thể tự vươn lên thay đổi cuộc đời” - TS Đào Minh Quang bày tỏ.
TS Đào Minh Quang chia sẻ tại hội thảo.
Tại hội thảo, ban tổ chức đã công bố và giới thiệu Dự án Lập nghiệp và Khởi nghiệp bền vững tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn do Quỹ Đào Minh Quang, CHLB Đức tài trợ, gồm một số nội dung chủ yếu như: các hoạt động chuyên môn, tiến độ thực hiện và sản phẩm của từng hoạt động nhằm sử dụng vào thực tiễn đào tạo và thực hành khởi nghiệp cho sinh viên và học viên trong các trường đại học và cao đẳng. Điểm mới và trọng tâm của dự án này là việc đào tạo thực hành theo mô hình Lập nghiệp bền vững của CHLB Đức cho những người muốn đi lập nghiệp và khởi nghiệp, thường ở độ tuổi từ 18 đến 35.
Minh Phong