“Tiếp cận linh hoạt cơ chế, chính sách về khai thác khoáng sản”. Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với các bộ ngành và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024, diễn ra sáng nay (25/07), tại Trụ sở Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với các bộ ngành và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết: Thời gian qua, nhiều công trình đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm đã gặp vướng mắc trong việc cung ứng nguồn vật liệu xây dựng, đặc biệt là đất san lấp, cát và đá. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất 3 nhóm nội dung chính cần được điều chỉnh, sửa đổi và quy định rõ trong Nghị quyết. Theo đó, Bộ đề xuất cho phép cấp phép thăm dò mở rộng và khai thác xuống sâu mà không cần căn cứ vào quy hoạch khoáng sản hoặc phương án quản lý địa chất, khoáng sản trong quy hoạch tỉnh. Việc cập nhật quy hoạch sẽ thực hiện sau. Bên cạnh đó, việc bổ sung các trường hợp không phải thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, áp dụng đối với các mỏ cung cấp cho công trình đầu tư công, dự án trọng điểm, công trình quốc phòng, an ninh hoặc dự án chế biến sâu đã được phê duyệt. Cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính cho khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (nhóm III), gồm: Cát sông, cát biển và đá xây dựng. Về cơ chế đóng cửa mỏ, Bộ đề xuất quy định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và bổ sung khoản phí thẩm định vào luật phí và lệ phí, nhằm đảm bảo nguồn thu và tăng cường trách nhiệm quản lý. Riêng đối với cát biển, loại vật liệu được nhiều địa phương quan tâm trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, hiện tồn tại vướng mắc về thẩm quyền cấp phép.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ và địa phương cho rằng: Nghị quyết sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cấp phép và khai thác khoáng sản, nhất là đối với các dự án trọng điểm quốc gia, vùng và địa phương; đồng thời đề nghị bổ sung nhiều nội dung cụ thể nhằm xử lý các trường hợp giấy phép đã thu hồi nhưng chưa đóng cửa mỏ, dự án vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, phân phối sản phẩm đi kèm khi nâng công suất mỏ...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách mới về địa chất và khoáng sản chỉ vừa có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 theo Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024, nên nhiều nội dung vẫn chưa được triển khai, cần có thêm thời gian để đánh giá, kiểm nghiệm từ thực tiễn. Chính phủ xác định phải ban hành một nghị quyết có thời hạn cụ thể, chỉ từ 1-2 năm, nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, trong thời điểm luật chưa theo kịp hoặc chưa đủ điều kiện để sửa đổi.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tiếp cận linh hoạt, thực chất, hiệu quả trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ các công trình hạ tầng, nhất là dự án đầu tư công và công trình trọng điểm. Song, tuyệt đối không buông lỏng quản lý hay để xảy ra tình trạng lợi dụng cơ chế đặc thù để trục lợi. Riêng đối với cát biển, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ vướng mắc về thẩm quyền và quy hoạch quản lý, đảm bảo thống nhất pháp lý giữa Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Địa chất và khoáng sản, tháo gỡ ách tắc cho các địa phương trong tổ chức khai thác hợp lý, hiệu quả.
Phó Thủ tướng lưu ý: Cùng với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cấp bách trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, cần thực hiện tốt phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm giấy tờ, đồng bộ các quy trình; địa phương phải chịu trách nhiệm về an toàn, chất lượng, môi trường sinh thái, hiệu quả sử dụng tài nguyên và đúng mục đích khai thác. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu: Tiếp tục rút ngắn quy trình, thủ tục thu hồi mỏ do cấp phép, quản lý nhà nước không đúng, dẫn đến phải đóng cửa mỏ rồi mới cấp lại. Các vi phạm cần được xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với một số mỏ cát tại các khu vực cần nạo vét như luồng lạch, hồ đập, bãi bồi nhưng chưa được khai thác do vướng mắc về quy trình, Phó Thủ tướng yêu cầu: xác định rõ trách nhiệm giữa địa phương và Bộ Xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm đối với các luồng lạch liên tỉnh, bao gồm việc tính toán đề án, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật. Địa phương chịu trách nhiệm với các khu vực thuộc phạm vi địa bàn quản lý. Trong trường hợp nhiệm vụ nạo vét trùng với khai thác tài nguyên, cần ưu tiên thực hiện để tận dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên phục vụ các dự án đầu tư công, hạn chế thất thoát, giảm các thủ tục đấu thầu phức tạp...
Phương Thoa/VOV1