Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Đoàn Thanh niên

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Đoàn Thanh niên
7 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh Hội nghị
Chủ trì Hội nghị có anh Ndu Ha Biên - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh; ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Lâm Đồng.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến hết ngày 31/3, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đang quản lý 396 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), tăng 1 tổ so với tháng 12/2024. Các cấp bộ Đoàn tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cùng cấp kiện toàn, đánh giá và xếp loại các tổ TK&VV trên địa bàn. Nhìn chung, các Tổ TK&VV do Đoàn Thanh niên quản lý đã làm tốt công tác vốn vay, đa số các tổ TK&VV xếp loại tốt, không có tổ xếp loại trung bình và yếu.
Đến ngày 28/2, 396 Tổ TK&VV đã huy động tiền gửi tiết kiệm với số tiền là 62.809 triệu đồng (tăng 2.251 triệu đồng so với đầu năm) của 15.575 hộ (tỷ lệ tổ viên gửi tiền đạt 98,41%; tỷ lệ gửi tiết kiệm trên tổng dự nợ đạt 6,05%).
Các tổ chức Đoàn cấp huyện đã kiểm tra được 2 xã, 6 Tổ TK&VV, 30 hộ vay vốn; Đoàn cấp xã đã kiểm tra 82 lượt Tổ TK&VV, 819 lượt hộ vay và 518 lượt kiểm tra sử dụng vốn sau khi cho vay.
Dư nợ nhận ủy thác đến ngày 31/3 đạt 1.038.318 triệu đồng/396 Tổ TK&VV/15.827 hộ (so với tháng 12/2024, tăng 34.638 triệu đồng, tăng 3.45%).
Anh Ndu Ha Biên - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Trong 4 tháng đầu năm, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho 384 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; hỗ trợ tạo việc làm cho 522 lao động; tạo điều kiện cho 391 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập; xây dựng 701 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn; giúp 1 hộ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định 100/NĐ-CP; 1 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn; 54 thanh niên được vay vốn khởi nghiệp, lập nghiệp. Qua đó góp phần vào thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Đoàn trong quý I/2025 vẫn còn một số hạn chế như tình trạng nợ quá hạn vẫn còn tồn tại; chất lượng xếp loại Đoàn cấp xã có dấu hiệu giảm; chưa hoàn thành 2/6 chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm là tỷ lệ tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV trên tổng dư nợ đạt trên 6,5% và Tỷ lệ duy trì số dư sử dụng dịch vụ Mobile Banking đạt trên 50%.
Việc kiểm tra sử dụng vốn vay trong vòng 30 ngày sau giải ngân và cập nhật lên hệ thống Web-Admin quản lý tín dụng chính sách chưa đạt yêu cầu 100%. Còn tồn tại, sai sót qua kiểm tra toàn diện của Hội sở chính, Kiểm toán Nhà nước...
Các đại biểu đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nguồn vốn ủy thác tại địa phương
Sau khi nghe báo cáo tổng quan về công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn ủy thác qua Đoàn thanh niên từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, các đại biểu tại các điểm cầu đã thảo luận, đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác quản lý nguồn vốn ủy thác tại địa phương trong thời gian qua. Đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất nhiều đề nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tín dụng ủy thác và hoạt động vay vốn qua tổ chức Đoàn Thanh niên trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hướng dẫn, định hướng và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quy trình, nghiệp vụ trong công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay ủy thác, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách qua tổ chức Đoàn.
Đại diện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hướng dẫn, giải đáp quy trình, nghiệp vụ trong công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay ủy thác
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh Đoàn Ndu Ha Biên đề nghị các cấp bộ Đoàn nhận thức sâu sắc vai trò quản lý, sử dụng vốn vay ủy thác; xác định đây là nhiệm vụ xuyên suốt. Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi; tăng cường tham mưu cấp ủy, phối hợp ngành liên quan hỗ trợ cơ sở thực hiện vay vốn. Đồng thời, yêu cầu các cấp bộ Đoàn chủ động phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội xử lý nợ quá hạn, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt, trong quá trình sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, cần tăng cường quản lý, theo dõi chặt chẽ công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn ủy thác để bảo đảm hoạt động tín dụng diễn ra liên tục, hiệu quả, không bị gián đoạn. Đây là nhiệm vụ then chốt nhằm khai thác hiệu quả nguồn vốn ủy thác, hỗ trợ thiết thực cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
VIỆT QUỲNH
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/ban-tre/202504/thao-go-kho-khan-vuong-mac-trong-cong-tac-quan-ly-su-dung-nguon-von-vay-uy-thac-qua-to-chuc-doan-thanh-nien-f091f03/