Ngày 22/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức cuộc họp quan trọng nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong chính sách đất đai và khoáng sản, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh mới đầy biến động.
Ảnh minh họa
Tại cuộc họp, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã trình bày báo cáo về tiến độ xây dựng Nghị quyết của Chính phủ liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024. Cục cũng báo cáo về danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng giai đoạn 2025–2030 và các nội dung chính trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Địa chất và Khoáng sản.
Bên cạnh đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2024 cũng được trình bày, tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành luật. Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng đã chỉ đạo cụ thể về các vấn đề then chốt như: quyền của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Liên quan đến yêu cầu hoàn thiện chính sách đất đai theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Quyền Bộ trưởng đề nghị các đơn vị cần bám sát các nội dung đã được phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền tại Nghị định số 151/2025/NĐ-CP để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi khi triển khai trong thực tế.
Với tinh thần “chính sách phải thông thoáng, tháo gỡ, phân cấp và đồng hành”, Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng nhấn mạnh rằng các quy định từ Trung ương không chỉ mang tính định hướng mà còn là nền tảng pháp lý để các địa phương chủ động triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, hệ thống pháp luật cần đảm bảo tính ổn định, minh bạch và dễ áp dụng.
Ông cũng lưu ý, khung pháp lý cần được hoàn thiện theo hướng rõ ràng, có hướng dẫn cụ thể cho các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện. Đối với các nội dung chưa đủ rõ ràng, cần khẩn trương lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và các cơ quan chuyên môn để đảm bảo tính hợp pháp và tính khả thi trong thi hành.
Nhấn mạnh đất đai và tài nguyên khoáng sản là những lĩnh vực quan trọng, ông khẳng định rằng nếu quản lý tốt, minh bạch thì đây sẽ là nguồn lực lớn thúc đẩy phát triển.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường bày tỏ kỳ vọng rằng, với việc ban hành các chính sách chặt chẽ, rõ ràng và đồng bộ, sẽ tạo dựng một môi trường phát triển minh bạch, chuyên nghiệp và đáng tin cậy, không chỉ với người dân mà còn với cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là cam kết của ngành trong việc đồng hành cùng địa phương, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Hiện, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, từ đất đai màu mỡ, khoáng sản đa dạng đến tài nguyên rừng, nước và biển rộng lớn.
Thế nhưng, nhiều quỹ đất, đặc biệt là đất công và đất nông nghiệp ở các khu vực đang đô thị hóa vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Một lượng lớn đất đai bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích hoặc nằm trong quy hoạch "treo" kéo dài, gây lãng phí nguồn lực và cản trở sự phát triển.
Vậy nên, theo một số chuyên gia, để giải phóng hiệu quả tiềm năng đất đai và tài nguyên, điều cần thiết là một cuộc cải cách toàn diện từ khung pháp lý đến cách tiếp cận và tổ chức thực thi.
Trước hết, cần xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, nhất quán và ổn định, tạo điều kiện để thị trường đất đai và tài nguyên vận hành hiệu quả, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân trong quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên.
Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ, công khai hóa thông tin và thúc đẩy số hóa quy trình cấp phép, phê duyệt quy hoạch sẽ giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả giám sát.
Đồng thời, cần phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc quyết định quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình rõ ràng để tránh lạm dụng hoặc thất thoát tài nguyên.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác công - tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khai thác và sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện với môi trường, hiệu quả và bền vững. Đây là xu hướng tất yếu nếu muốn vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn được tài nguyên cho thế hệ tương lai.
D.Ngân