Lễ họp mặt người Việt Nam ở nước ngoài mừng Xuân mới, do Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Là một kiều bào, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH liên kết thương mại Toàn cầu với thương hiệu cà-phê Meet More nông sản, chia sẻ: Ông đã đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh hơn 10 năm nhưng thủ tục hành chính vẫn khiến ông nản lòng. Nếu như ở Australia chỉ mất 3 giờ đồng hồ là làm xong thì ở Thành phố Hồ Chí Minh lại mất khá nhiều thời gian. Đó là chưa kể, có tới 67% hồ sơ đầu tư từ kiều bào phải điều chỉnh nhiều lần trước khi được phê duyệt, gây tốn kém thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của kiều bào khi về nước đầu tư cũng khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Đối với những gói vay ưu đãi, 3-5 tháng sau đó sẽ áp dụng lãi suất thả nổi, chính sách này gây khó khăn cho nhà đầu tư, không có tính thực tế bởi với khoảng thời gian ngắn đó, doanh nghiệp chưa thể sản xuất.
Có hơn 30 năm trở về Việt Nam đầu tư, ông Nguyễn Hồng Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cũng gặp khó khăn khi áp dụng chính sách thuế và tài chính trong nước. Cụ thể, mức thuế thu nhập doanh nghiệp cơ bản tại Việt Nam là 20%, cao hơn so với Singapore (17%) và Thái Lan (18%). Trong khi đó, các ưu đãi cho dự án công nghệ cao còn hạn chế, chỉ được giảm 10% thuế trong 2 năm, không thể cạnh tranh với chính sách miễn thuế 5 năm của Singapore hay giảm 50% thuế trong 8 năm của Thái Lan.
Những dẫn chứng nêu trên là minh chứng rõ nét cho việc cơ chế chính sách, thủ tục hành chính vẫn là rào cản lớn nhất đối với thu hút kiều bào đầu tư về nước. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước với gần 9,5 tỷ USD năm 2023 (chiếm trên 50% cả nước) và đạt 9,6 tỷ USD năm 2024 (chiếm 60% cả nước). Hiện nay, có tới 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên hệ với thành phố, đây là nguồn lực to lớn đối với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Để tận dụng tối đa tiềm năng đầu tư từ 3 triệu kiều bào này, ông Nguyễn Hồng Huệ cho rằng, thành phố cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ cải cách chính sách đến nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, mà trước mắt cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm các thủ tục giấy tờ rườm rà. Cùng với đó là hoàn thiện chính sách thuế. Cần xem xét giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu đối với các dự án công nghệ cao do kiều bào đầu tư. Đặc biệt, nên áp dụng chính sách miễn thuế chuyển lợi nhuận trong 3 năm đầu để khuyến khích kiều bào tái đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, để thu hút kiều bào đầu tư vào những ngành có tiềm năng phát triển bền vững, thành phố cần xây dựng danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư và đi kèm với các chính sách ưu đãi đặc biệt. Kiều bào khi nhập cảnh nên được miễn thị thực, được sử dụng các dịch vụ công như người dân trong nước. Thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi trong các giao dịch tài chính, bất động sản; có cơ chế hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp kiều bào, để kiều bào có thêm động lực tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh...“Những ưu đãi này sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của Thành phố Hồ Chí Minh so với các địa phương khác”, ông Nguyễn Hồng Huệ chia sẻ.
VƯƠNG LÊ