Thừa ủy quyền của UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương Vũ Ngọc Long cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tham dự tại điểm cầu tỉnh Bình Phước.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Phước
Đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%; sản lượng điện phát của nguồn điện (gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà) lũy kế năm khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng khoảng 12,75% hệ thống điện. Những kết quả này góp phần thực hiện định hướng trong Quy hoạch điện VIII, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng. Tuy nhiên với hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo còn phát sinh những khó khăn, vướng mắc và có cả sai phạm.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 ngày 7-12-2024, Chính phủ đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án diện năng lượng tái tạo. Theo đó, các sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, như: Hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng đối tượng; công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thầm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư; chồng lấn quy hoạch khoáng sản, quy hoạch thủy lợi và vùng tuới, quy hoạch đất quốc phòng; trình tự, thủ tục hồ sơ về đất đai; đầu tư điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng và một số sai phạm khác.
Nghị quyết của Chính phủ đã đưa ra 6 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, gồm: (1) Cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia; (2) Đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật; (3) Đối với các dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng... thì thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án, từ đó điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp hoặc tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan (lưỡng dụng quy hoạch); (4) Đối với các dự án đang được hưởng giá FIT có vi phạm theo kết luận của cơ quan có thầm quyền do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện thì không được hưởng giá FIT ưu đãi, phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện; (5) Đối với các dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp với công suất lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng mà đất chưa phù hợp để làm trang trại thì yêu cầu các chủ đầu tư cần: Thực hiện đầy đủ thủ tục xây dựng, đầu tư trang trại nuôi trồng kết hợp với thực hiện dự án điện năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật; thực hiện ngay các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định; trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định vi phạm về đất để làm trang trại thì không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện và thực hiện đầy đủ các hoạt động trang trại nuôi trồng theo đúng đăng ký đầu tư ban đầu; (6) Đối với đối tượng được nêu tại mục (4) và (5) nêu trên, cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về mua bán điện khi cấp có thẩm quyền xác định dự án bị thu hồi giá FIT ưu đãi để làm căn cứ bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến những khó khăn, vướng mắc của các dự án điện năng lượng tái tạo.
Ngọc Huyền - Hoàng Vũ