Tháo gỡ vướng mắc để năng lượng tái tạo phát triển

Tháo gỡ vướng mắc để năng lượng tái tạo phát triển
5 giờ trướcBài gốc
Hệ thống năng lượng tái tạo - điện mặt trời trên mái nhà xưởng Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: L.An
Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, thủ tục mua bán và đấu nối là giải pháp để gia tăng nguồn NLTT, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính.
Công suất 27% nhưng mới phát điện 13%
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, quyết định liên quan đến khuyến khích phát triển NLTT, nhờ vậy công suất ngày càng tăng. Tính đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn NLTT đạt gần 21,7 ngàn MW, chiếm khoảng 27% trong hệ thống điện; sản lượng điện phát của NLTT hàng năm mới chiếm khoảng 13% hệ thống điện. Sản lượng này đã góp phần đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và là cơ sở để Việt Nam đặt ra mục tiêu và phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Công bố và triển khai nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án NLTT diễn ra ngày 12-12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, phát triển các nguồn năng lượng mới, NLTT, năng lượng xanh là xu thế tất yếu trong bối cảnh năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, khí hậu biến đổi khó lường. Thời gian qua, nhất là giai đoạn 2019-2020, nhờ các chủ trương khuyến khích mà các dự án NLTT tăng nhanh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương, do chủ trương phát triển NLTT là lĩnh vực mới, chưa có tiền lệ, thiếu kinh nghiệm và hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh nên quá trình triển khai phát sinh tồn tại, vướng mắc, thậm chí vi phạm. Điều này ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả chính sách; môi trường đầu tư và quyền lợi của các doanh nghiệp.
Báo cáo Kết luận số 1027/KL-TTCP ngày 28-4-2023 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, cả nước có: 14 dự án NLTT hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng đối tượng, 173 nhà máy/phần nhà máy được chấp nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá Fit (giá cố định) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền có văn bản chấp thuận nghiệm thu công trình, 20 dự án chồng lấn quy hoạch khoáng sản, 40 dự án vi phạm thủ tục hồ sơ về đất đai, 413 dự án trên mái công trình nông nghiệp chưa đầy đủ hồ sơ…
Tại Đồng Nai, theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, mặc dù tỉnh không có dự án NLTT nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp không thể lắp đặt điện mặt trời mái nhà để sử dụng vì thủ tục nhiều và phức tạp. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong lấy chứng chỉ xanh để xuất khẩu hàng hóa, tỉnh gia tăng nguy cơ thiếu điện. Bên cạnh đó, các dự án điện mặt trời, điện rác trong Quy hoạch điện VIII cũng chưa triển khai được.
Không để lãng phí nguồn lực
Hiện nay, tại nhiều địa phương còn dự án NLTT đã đầu tư nhưng chưa được đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia, chưa được ký hợp đồng mua bán điện dẫn đến nguồn lực đầu tư bị lãng phí, NLTT không đưa vào sản xuất và tiêu dùng được, trong khi nguồn cung cấp điện chưa thực sự ổn định.
Trước thực tế này, Chính phủ ban hành nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án NLTT. Nghị quyết đề ra quan điểm, giải pháp và nguyên tắc chung cho việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bao gồm: bổ sung quy hoạch, thủ tục liên quan tới đất đai, nghiệm thu công trình xây dựng, hưởng giá Fit nhằm hạn chế lãng phí nguồn lực xã hội.
Tại hội nghị trực tuyến nói trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, nguồn lực đã đầu tư vào các dự án NLTT rất lớn, nếu không đưa vào vận hành là sự lãng phí. Cố gắng trước ngày 31-1-2025, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho dự án NLTT trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cấm chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng và không hợp thức hóa sai phạm.
Tại quy hoạch và kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển NLTT từ khoảng 13% hiện tại lên 29% năm 2030 và 44% năm 2045. Việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đã triển khai, đồng thời sớm ban hành các thông tư, nghị định để thực thi Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-2-2025 là giải pháp để đạt mục tiêu này, là cơ sở để Việt Nam hiện thực hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho rằng, Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển NLTT. Về điện mặt trời mái nhà, tổng số giờ nắng trong năm cao nhất khu vực, có hệ thống mái nhà xưởng từ các khu công nghiệp, nhu cầu lắp đặt để sử dụng tại chỗ là thực tế, tại kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII tỉnh được phân bổ chỉ tiêu công suất nguồn năng lượng này cao nhất cả nước. Về thủy điện, tỉnh có khả năng phát triển và mở rộng thêm 4 dự án. Điện rác và điện sinh khối cũng là loại hình có lợi thế.
Từ tiềm năng trên, Sở Công thương sẽ tham mưu cơ chế khuyến khích phát triển NLTT, năng lượng xanh, sạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo các định hướng: Đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện; khuyến khích phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác nhằm đạt mục tiêu năng lượng và môi trường; khai thác tối đa tiềm năng các nguồn thủy điện trên cơ sở bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước. Cùng với đó là thúc đẩy sử dụng các dạng NLTT bao gồm nhiên liệu sinh học, hydrogen, amoniac…
Lê An
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202412/thao-go-vuong-mac-de-nang-luong-tai-taophat-trien-6e170c0/