Các đại biểu thảo luận tại Tổ số 12.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Cạn.
Trước khi tiến hành thảo luận tại Tổ, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, tiến hành các nội dung: biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; xem video clip về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng dự án này, khẳng định đây là yêu cầu tất yếu khách quan, vấn đề quan trọng là chúng ta sẽ triển khai dự án như thế nào.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tại Tổ.
Góp ý về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác và với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế. Trong đó, đối với vấn đề về hướng tuyến cần đánh giá kỹ hơn và có giải trình làm rõ hơn về tính hiệu quả việc lựa chọn vị trí đặt các ga.
Về nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, đại biểu đề nghị cần báo cáo rõ hơn về phương án bố trí vốn và khả năng đáp ứng của nguồn lực ngân sách nhà nước; về an toàn nợ công và các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt triển khai đầu tư Dự án. Đề nghị rà soát lại nhu cầu nguyên vật liệu để xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng cũng như dự án này, bảo đảm nguồn nguyên vật liệu triển khai dự án được khả thi.
Về chuyển giao công nghệ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cần có đánh giá khả năng tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam, làm rõ trường hợp nếu không được nước ngoài chuyển giao công nghệ thì giải pháp thay thế và khả năng tự chủ nội địa hóa công nghệ đường sắt tốc độ cao của Việt Nam thì sẽ như thế nào?
Thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết về “Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh tán thành với Tờ trình của Chính phủ, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết được thực hiện trên phạm vi toàn quốc để bảo đảm công bằng giữa các địa phương, không tạo cơ chế “xin - cho”. Việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất là chính sách có nhiều tác động đến việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Để bao hàm hết nội dung của Nghị quyết, đại biểu đề nghị tên Nghị quyết nên sửa lại là: “Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng không phải là đất ở”. Về phạm vi thực hiện Nghị quyết, nhất trí áp dụng trên phạm vi toàn quốc và thời gian thực hiện là 5 năm. Về đối tượng áp dụng, đại biểu đề nghị nên rà soát lại để tránh sự trùng lặp với một số nhóm đối tượng theo Quy định của Luật Đất đai.
Về điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, đại biểu đề nghị rà soát, nghiên cứu, làm rõ việc áp dụng cơ chế thí điểm thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với các loại đất nêu trên. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung nguyên tắc bảo đảm giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%, kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm không chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất quốc phòng, đất an ninh với diện tích lớn.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, tiến hành các nội dung: biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; thảo luận về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Sau đó, Quốc hội họp riêng, nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Mai Lan-Thanh Thủy