Thảo luận tại Tổ về một số dự án Luật

Thảo luận tại Tổ về một số dự án Luật
7 giờ trướcBài gốc
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai và Quảng Bình thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Bùi Minh Châu cho biết: Sáng nay, các ủy ban của Quốc hội đã trình các nội dung sửa đổi liên quan đến các nội dung thảo luận tại Tổ; để đảm bảo việc sửa đổi cho phù hợp, đề nghị đại biểu phát biểu vào các nội dung thảo luận, tập trung vào những vấn đề còn băn khoăn, đề nghị điều chỉnh, bổ sung.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự: Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng trong các Nghị quyết và Kết luận như 18-NQ/TW, 126-KL/TW... về tinh gọn bộ máy, cải cách tư pháp; khắc phục vướng mắc thực tiễn đối với việc xử lý trường hợp bị can bỏ trốn, thi hành án tử hình, giám định tư pháp, chuyển đổi số... từ đó bảo đảm hiệu lực hoạt động của cơ quan tố tụng trong bối cảnh tổ chức lại hệ thống chính trị và hành chính.
Các ý kiến cho biết, để đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, đảm bảo thống nhất giữa hệ thống tổ chức và hệ thống pháp luật, Bộ luật đã sửa đổi tổ chức bộ máy tố tụng (cơ quan điều tra từ 3 cấp thành 2 cấp; Viện kiểm sát và Tòa án từ 4 cấp thành 3 cấp...). Quy định mới về quyền hạn của Điều tra viên cấp xã; cho phép Trưởng hoặc Phó Công an xã điều tra vụ án ít nghiêm trọng. Thủ tục điều tra, truy tố bị can vắng mặt; bổ sung quy định truy tố được cả khi bị can bỏ trốn hoặc đang ở nước ngoài, nếu đủ chứng cứ và đảm bảo quyền bào chữa... nhằm giải quyết triệt để tình trạng vụ án “treo” và thuận lợi hơn trong truy cứu trách nhiệm và thu hồi tài sản.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự: Việc sửa đổi nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về hình sự, bảo đảm đồng bộ với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và các điều ước quốc tế.
Theo các đại biểu, Bộ Luật đã sửa đổi liên quan đến hình phạt tử hình; bổ sung quy định mới về việc chuyển từ tử hình sang tù chung thân hoặc tù chung thân không xét giảm án nếu được Chủ tịch nước ân giảm. Về miễn trách nhiệm hình sự; sửa đổi rõ ràng về điều kiện và thời điểm được miễn trách nhiệm hình sự. Về quy định về hành vi phạm tội; làm rõ một số khái niệm gây hiểu nhầm hoặc khó áp dụng như “chuẩn bị phạm tội”, “phạm tội chưa đạt”... Đề cập đến hình phạt tử hình, đồng chí Bùi Minh Châu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cữu kỹ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có quy định phù hợp.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD): Việc sửa đổi, bổ sung Luật để giải quyết tình trạng tồn tại kéo dài của các TCTD yếu kém, hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý TCTD yếu kém... từ đó góp phần bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định kinh tế vĩ mô, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng hạng tín nhiệm quốc gia.
Các ý kiến cho rằng, nội dung sửa đổi, bổ sung đã thể chế hóa trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý rủi ro hệ thống; siết chặt điều kiện và quản lý đối với cổ đông, người quản lý TCTD; hoàn thiện quy trình pháp lý và cơ chế phá sản ngân hàng yếu kém... Đối với xử lý TCTD yếu kém; bổ sung quy định về các hình thức xử lý (phá sản có kiểm soát; Chuyển giao bắt buộc toàn bộ vốn góp/cổ phần; sáp nhập, hợp nhất, giải thể theo quy trình đặc biệt; Nhà nước có thể tham gia xử lý ngân hàng yếu kém trong trường hợp đặc biệt bằng việc mua lại, cấp vốn...) thay đổi tạo khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, linh hoạt để xử lý các TCTD yếu kém dứt điểm thay vì để kéo dài nhiều năm.
Về siết chặt điều kiện với cổ đông lớn và người quản lý TCTD; Luật tăng điều kiện và tiêu chuẩn đối với cổ đông lớn (cá nhân và tổ chức) nhằm minh bạch nguồn vốn và ràng buộc trách nhiệm pháp lý của cổ đông lớn và người quản lý khi để TCTD rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Về vai trò của Ngân hàng Nhà nước, các ý kiến đồng thuận việc Ngân hàng nhà nước có quyền phê duyệt trước nhân sự cấp cao của TCTD yếu kém, yêu cầu miễn nhiệm lãnh đạo không đáp ứng yêu cầu, tổ chức, giám sát toàn bộ quá trình cơ cấu lại các TCTD bị kiểm soát đặc biệt... qua đó giúp Ngân hàng Nhà nước thực hiện vai trò trong bảo vệ hệ thống ngân hàng, tránh để ngân hàng yếu kém ảnh hưởng hệ thống...
Khổng Thủy
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/thao-luan-tai-to-ve-mot-so-du-an-luat-233023.htm