Thảo luận về quản lý đầu tư, Thủ tướng nêu loạt vướng mắc và giải pháp từ doanh nghiệp ngành Công Thương

Thảo luận về quản lý đầu tư, Thủ tướng nêu loạt vướng mắc và giải pháp từ doanh nghiệp ngành Công Thương
một ngày trướcBài gốc
Sáng 23/11, phát biểu tại tổ về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, đây là hai dự án luật quan trọng.
Riêng về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo người đứng đầu Chính phủ, đất nước ta vẫn còn thiếu vốn nên cần cơ chế chính sách để huy động tối đa nguồn vốn một cách hợp pháp và hiệu quả nhất.
Trong quá trình lựa chọn phải có quy định pháp luật để các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm biết thế nào đúng luật và không đúng luật để tránh, có như vậy mới đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính góp ý tại tổ sáng nay 23/11 (Ảnh: Công Thắng)
Chúng ta là nước đang phát triển, có quy mô nền kinh tế khiêm tốn dù đứng thứ 34 trên thế giới nhưng có độ mở cao. Năm nay, nước ta có thể đạt 800 tỷ USD về xuất nhập khẩu gần gấp đôi tổng GDP và nền kinh tế đang chuyển đổi, sức chống chịu với các cú sốc còn hạn chế. Vì vậy, phải có cách huy động nguồn lực bao gồm nguồn lực Nhà nước, nguồn lực trong dân, xã hội, phát hành trái phiếu chính phủ, hợp tác công tư, đi vay,… Đây là nội dung quan trọng để thúc đẩy, phát triển kinh tế trong giai đoạn tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Muốn bước vào kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm nói - xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân được hạnh phúc ấm no, hạnh phúc - thì phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách vận hành dựa trên tổng kết thực tiễn.
Nhấn mạnh dứt khoát phải đổi mới tư duy, phải đổi mới và hội nhập, Thủ tướng cho rằng đó là những nguyên tắc bắt buộc và những vấn đề này phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước, căn cứ vào bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, để kết hợp sức mạnh thời đại và sức mạnh dân tộc.
Còn trong quá trình đổi mới, sáng tạo, huy động nguồn lực, theo Thủ tướng, phải bắt nguồn chính từ nội lực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm (Ảnh: Công Thắng)
Đó là từ con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa, từ cơ chế chính sách. Nếu cơ chế chính sách đúng, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước, xu thế thời đại thì sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh, làm thay đổi, chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế.
Đi vào góp ý cụ thể Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đối với mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước, người đứng đầu Chính phủ chỉ ra, thực tế có nhiều mô hình và trong mỗi giai đoạn, với các yếu tố lịch sử khác nhau, mỗi mô hình sẽ hoàn thành yêu cầu đặt ra của từng giai đoạn đó.
Đánh giá mô hình quản lý đến giờ vẫn chưa ổn định, Thủ tướng cho rằng chúng ta đang trong quá trình phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, vừa làm vừa nghiên cứu, mở rộng dần, với tinh thần không cầu toàn, nóng vội.
Sau khi thực hiện mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong hơn 5 năm, thực tế cho thấy có nhiều điểm được và chưa được đòi hỏi cần tổng kết để rút ra kinh nghiệm và đổi mới.
Theo Thủ tướng, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và cạnh tranh; không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
“Nếu can thiệp bằng các biện pháp hành chính sẽ dẫn đến méo mó thị trường và doanh nghiệp cũng không phải cơ quan hành chính để can thiệp. Điều đó không đúng với tư duy phát triển”, Thủ tướng nói và cho rằng cần tuân thủ quản lý các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và không can thiệp nhiều biện pháp hành chính.
Về kế hoạch kinh doanh, Thủ tướng góp ý nên giao cho Hội đồng Quản trị chịu trách nhiệm về các quyết định, để làm sao bảo toàn và phát triển vốn.
Từ cách đặt tên mô hình đã có từ quản lý, thành ra nặng về quản lý. Khi không quản được thì can thiệp biện pháp hành chính, như vậy là không đúng quy luật thị trường”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính (Ảnh: Công Thắng)
Còn 19 doanh nghiệp nhà nước, ở mỗi giai đoạn, lại có vai trò lịch sử khác nhau, hiện đã có những điểm rất tích cực nhưng trước đó đã phải vật lộn nhiều. Do đó cần phải để phát triển tự nhiên mà vẫn có kết quả tích cực.
Thủ tướng lấy ví dụ như việc ngân hàng thương mại cổ phần được tăng vốn thoải mái nhưng Ngân hàng Nhà nước lại phải xin ý kiến mới có thể tăng vốn, điển hình là trường hợp của Ngân hàng Vietcombank vừa qua. Hay như hãng hàng không Vietnam Airlines, cũng phải xin ý kiến Bộ Chính trị mới có thể tăng vốn. Qua đó, theo Thủ tướng, tốt nhất cần giảm kiểm soát bằng hành chính.
Về việc phân cấp, phân quyền, Thủ tướng cho rằng nên giao việc lên kế hoạch kinh doanh cho Hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm; cần làm rõ quy định pháp luật để HĐQT có thể sáng tạo, quyết tâm làm và không sợ.
“Kế hoạch kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp phải do HĐQT quyết định. HĐQT sinh ra để quyết định vì sao phải đi xin một cấp hành chính nữa?... Xin ý kiến lòng vòng một cơ quan không đồng ý lại đi xin lại”, Thủ tướng đặt câu hỏi và nhấn mạnh trong luật này phải quy định rõ để doanh nghiệp mạnh dạn làm, không sợ sai và quan trọng nhất là để họ đưa ra quyết định kịp thời, đúng lúc.
Thủ tướng cho rằng, luật thiết kế phải khuyến khích đổi mới sáng tạo, không nên theo tư duy, không làm được, không quản được thì cấm.
Thủ tướng lấy ví dụ về giao dự án, đơn cử như liên quan đến vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam không đủ (do đang bị lỗ), nhưng công ty con là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đủ thì được làm việc này.
"Nếu tập đoàn mẹ không đủ, mà tập đoàn con đủ thì phải giao cho người ta làm"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Các đại biểu họp tại tổ 8 (Ảnh: Công Thắng)
Đồng thời, không can thiệp hành chính nhiều, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo.
"Doanh nghiệp không đầu tư được nhiều vì vướng"- Thủ tướng nói và chỉ ra kinh nghiệm xử lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và Mỏ khí Lô B là điển hình giao cho doanh nghiệp thì mới triển khai được.
"Khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trình lên Chính phủ phải thêm 4.000 tỷ nữa. Khi chúng ta giao cho doanh nghiệp xử lý, thay vì phải đầu tư dự án khác thì anh phải đầu tư cái này cho tôi. Cuối cùng tái cơ cấu lại vốn đã cấp, không phải đầu tư thêm 4.000 tỷ đồng mà còn dư ra. Đây là kinh nghiệm quý phải được tổng kết và đưa vào"- Thủ tướng cho hay và nêu trường hợp của Nhà máy đóng tàu Dung Quất cũng tương tự như vậy.
Thủ tướng nêu, một đất nước có bờ biển dài, sông ngòi nhiều mà ngành đóng tầu lại không phát triển, logistics chi phí cao chiếm 17-18% GDP trong khi thế giới chỉ 10-11%, là vì hạ tầng giao thông của chúng ta chưa tốt… chỉ vì vướng cơ chế.
Làm rõ hơn, Thủ tướng chỉ ra thời gian, trí tuệ và khả năng đưa quyết định kịp thời đúng lúc là những yếu tố quyết định thành công trong một sự việc, vấn đề.
Thời gian là vàng bạc. Lãng phí thời gian là lãng phí tiền bạc… Sao lại để một việc loay hoay mãi không giải quyết được”, Thủ tướng nói.
Dẫn trường hợp Vietnam Airlines, Thủ tướng cho biết hãng hàng không quốc gia này khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng từ đó đến nay cứ phải loay hoay xin hết chỗ này chỗ khác để tăng vốn. Tại sao không giao quyền cho Vietnam Airlines hay cho một cơ quan để quyết định việc tăng vốn, không để phải đi chạy theo kiểu hành chính. Thủ tướng nhấn mạnh cần phân cấp quản lý mạnh, quy định rõ cái gì được, cái gì không, để tạo không gian sáng tạo.
Về việc đánh giá doanh nghiệp, Thủ tướng đồng tình với quan điểm của ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế đó là cần đánh giá doanh nghiệp tổng thể chứ không đánh giá từng sự việc cụ thể.
Thủ tướng phân tích thực tế doanh nghiệp tư nhân làm việc với nhau rất nhanh, không cần đấu thầu nhưng làm rất đúng. Trong khi doanh nghiệp nhà nước phải đấu thầu qua lại, cuối cùng vẫn có “quân xanh, quân đỏ” dẫn đến nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật liên tục. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm.
“Nếu Covid-19 mà cứ đi đấu thầu cả năm thì chịu!”, Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh khi tình hình thay đổi thì biện pháp phải thay đổi, tổ chức, quy trình, quy luật phải thay đổi.
Có vấn đề cần đấu thầu nhưng có việc cần mở ra không gian sáng tạo để giải quyết vấn đề cấp bách trong tình hình khẩn cấp.
Về cách đánh giá doanh nghiệp, theo Thủ tướng luật cần quy định đánh giá tổng thể giá trị doanh nghiệp mang lại theo 1 năm hoặc cả nhiệm kỳ chứ không đánh giá từng việc để có cái nhìn chuẩn mực vì trong kinh doanh không phải ngày một ngày hai và có cái được cái mất.
Góp ý về quy định chuyển tiếp trong luật, Thủ tướng cho hay khi thay đổi luật, nên có điều kiện chuyển tiếp để những vấn đề đang xử lý theo quy định cũ có điều kiện để thực hiện, không để khoảng trống pháp lý.
Do đó, Thủ tướng góp ý cần có một điều kiện, đó là trong trường hợp còn nhiều điều khác nhau so với luật chuyên ngành thì phải áp dụng theo luật chuyên ngành; luật ra đời trước phải theo luật ra đời sau.
Cuối cùng, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh luật cần xây dựng theo tinh thần phân cấp, phân quyền, tăng trách nhiệm cá nhân; không biến cơ quan trung ương thành cơ quan giải quyết vấn đề cụ thể; quản lý theo quy định thị trường; thiết kế công cụ để không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; rà soát để khuyến khích đổi mới sáng tạo, có không gian sáng tạo; dứt khoát không theo tư duy không quản được thì cấm.
Thu Hường
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thao-luan-ve-quan-ly-dau-tu-thu-tuong-neu-loat-vuong-mac-va-giai-phap-tu-doanh-nghiep-nganh-cong-thuong-360483.html