Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; Nghị định số 128 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156; Nghị định số 158 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh (Nghị định sửa đổi).
Theo Ban soạn thảo, đối với tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa, Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về hoạt động của thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam, cần thiết phải có quy định để xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa.
Thao túng thị trường tài sản mã hóa có thể bị xử phạt tới 2 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về xử phạt hành chính tại các nghị định của Chính phủ đối với vi phạm về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa. Do vậy, cần bổ sung quy định về hành vi, mức phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm có liên quan tại Nghị định của Chính phủ.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết bổ sung một số điều quy định xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa. Căn cứ quy định về các nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tại dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thí điểm triển khai thị trường tài sản mã hóa, tham chiếu đến mô tả hành vi vi phạm, chế tài xử phạt đối với các hành vi có tính chất tương tự về chứng khoán.
Cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung các hành vi vi phạm, gồm sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch, và thao túng thị trường. Trong đó, thao túng là việc thực hiện một trong các hành vi nhằm tạo cung cầu giả, giao dịch bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh giao dịch tài sản mã hóa gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá tài sản mã hóa, thao túng giá tài sản mã hóa.
Dự thảo liệt kê các hành vi thao túng như: đưa ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại tài sản mã hóa, về tổ chức phát hành tài sản mã hóa nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại tài sản đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại tài sản đó; sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá tài sản mã hóa.
Tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa khi chưa được cấp phép sẽ bị phạt từ 1,5 - 2 tỷ đồng; đưa tài sản mã hóa vào giao dịch khi chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền bị phạt 1 - 1,5 tỷ đồng...
Bộ Tài chính cũng cho rằng, cần nâng chế tài xử phạt, tăng mức phạt tiền đối với các vi phạm có rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoặc quyền lợi của nhà đầu tư như vi phạm về chào bán riêng lẻ, vi phạm về giao dịch ký quỹ, vi phạm của người hành nghề chứng khoán.
Đáng chú ý, dự thảo tăng thời hạn đình chỉ giao dịch có thời hạn đối với một số hành vi, như cho mượn tài khoản dẫn đến thao túng, vi phạm về báo cáo khi giao dịch vi phạm của cổ đông lớn, của người nội bộ, người có liên quan có khối lượng lớn.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo bổ sung hình thức mạnh là đình chỉ hoạt động nghiệp vụ môi giới chứng khoán có thời hạn đối với hành vi mang tính lạm dụng tài sản của khách hàng như cho mượn tiền, chứng khoán trên tài khoản của khách hàng, sử dụng chứng khoán của khách hàng để cầm cố, hành vi thực hiện dịch vụ quy định.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo nghị định lần này là tách hành vi vi phạm về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành mục riêng. Trong đó, mức phạt tiền cao nhất từ 2-2,5 tỷ đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện chào bán, phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ.
Diệp Diệp/VOV.VN