Nằm trên đồi Cù Lao phía tả ngạn hạ lưu sông Cái, bên cạnh cầu Xóm Bóng thuộc địa phận phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, Tháp Bà Ponagar còn có tên gọi khác là Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar. Công trình này do người Chăm xây dựng từ thế kỷ VIII đến XIII, để thờ Nữ thần Ponagar là Mẹ Xứ sở của người Chăm. Đây là một quần thể kiến trúc lớn với Tháp cổng, Khu Tiền đình (Mandapa) và Khu Đền tháp. Dòng chảy thời gian cùng với những biến động của lịch sử, tác động của thời tiết, đến nay Tháp Bà Ponagar chỉ còn lại Khu Tiền đình và Khu Đền tháp có 5 công trình kiến trúc.
Di tích Kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Ponagar Nha Trang
Khu Tiền đình có 4 hàng cột hình bát giác được xây lắp bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ. Khu Đền tháp hiện còn 4 tháp (Kalan) với kiến trúc xây dựng giống nhau theo bình đồ hình vuông từ chân đến đỉnh, trong đó vị trí trên cùng được thiết kế kỹ thuật hình chóp nón. Mỗi tháp đều có 4 cửa ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, nhưng chỉ có cửa Đông mờ ra đón khách hành hương, ba cửa còn lại chỉ tạo hình giả cách. Các tháp chỉ khác nhau về chiều cao, độ rộng.
Tháp chính cao 23m cũng là tháp cao lớn nhất, tọa lạc phía Đông Bắc được xây dựng từ thế kỷ VIII và tu bổ, sửa chữa lại vào thế kỷ XI để đặt tượng thờ Nữ thần Ponagar. Tháp phía Nam cao 18m, được xây dựng vào thế XIII là nơi thờ thần Shiva - chồng của Nữ thần nên còn có tên Tháp Ông, được thu gọn thành một tầng chóp kéo lên trên, ở đỉnh tháp có đặt trụ Linga. Tháp phía Tây Bắc cao 9m là nơi thờ Gannesha – hình tượng của sự may mắn, trí tuệ, hạnh phúc. Tương truyền đây là tháp thờ cô, cậu – con của Nữ thần, linh vật chính ở tháp là Linga và Yoni. Tháp phía Đông Nam cao 7,1m và cũng là tháp nhỏ nhất được xây dựng từ thế kỷ XI đến XII, thờ vị thần tượng trưng cho sức mạnh và chiến tranh Skandha. Tháp có kiến trúc đơn giản, phần mái hình yên ngựa hay hình thuyền, đây cũng là tháp thờ ông bà Tiều – người đã cưu mang, nuôi dưỡng Nữ thần Thiên Y A Na.
Tháp Bà Ponagar trên đồi Cù Lao nhìn từ phía hạ lưu sông Cái Nha Trang. Ảnh: Nha Trang Today
Ngoài ra, trong quần thể Di tích Kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Ponagar còn có Bia ký cổ Champa, có giá trị rất lớn đối với các nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, lịch sử. Theo một tài liệu nghiên cứu cho biết có 28 đơn vị minh văn, trong đó có một số bia chưa thể dịch nội dung. Phía sau Tháp chính có tấm bia do Phan Thanh Giản – một vị quan Thượng thư Bộ lễ dưới Triều Nguyễn ghi chép, biên soạn và khắc lên bia vào năm 1856 – Triều vua Tự Đức…
Tháp Bà Ponagar đã được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1979, đến năm 2001 Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Lễ hội Tháp Bà Ponagar là một trong 16 Lễ hội quốc gia. Lễ hội được tổ chức từ 20 đến 23/3 âm lịch mỗi năm, thu hút hàng ngàn người Chăm từ các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định… hội tụ hành lễ. Năm 2012, Lễ hội Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngoài Tháp Bà Ponagar còn có 4 di tích khác được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 17 là Di tích Kiến trúc nghệ thuật chùa Bối Khê ở huyện Thanh Oai, TP Hà Nội; Di tích Kiến trúc nghệ thuật Đền Xám ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; Di tích lịch sử Cụm di tích liên quan nhà Mạc ở Dương Kinh, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng và Di tích lịch sử Cụm di tích Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 ở quận Hải An, TP Hải Phòng.
Hữu Toàn