Ngày cũng như đêm, suốt quãng thời gian diễn ra lễ hội, sự tưng bừng và náo nhiệt như chưa bao giờ lắng xuống. Trong từng bước chân đi theo nhau trên phố, trong từng cánh tay vẫy chào rộn ràng, trong từng thanh âm hòa vào bản hùng ca dân tộc, và cả những giọt nước mắt xúc động đã rơi cho thấy hòa bình đẹp biết nhường nào. Cha ông ngày trước ngã xuống để cho hôm nay hòa bình vút cao.
Các nữ chiến sĩ giao lưu cùng người dân sau khi kết thúc diễu binh.
Tôi gọi đó là những đêm không ngủ, khi dàn pháo lễ được kéo về bến sông Bạch Đằng. Giữa tháng tư, TP Hồ Chí Minh nắng gắt vàng lên từng nẻo đường. Phố xá nhuộm đỏ thắm màu quốc kỳ. Sự nô nức hiện diện lên những gương mặt người phố thị. Chúng tôi hẹn nhau vào những chiều tan ca làm việc, cứ dắt nhau về bến sông mà háo hức lòng mình. Kỳ thực, hơn nửa quãng đời sống đất này, lần đầu tiên tôi thấy người Sài Gòn nôn nao một cách lạ kỳ. Người nối người, nụ cười nối niềm vui, và lòng yêu nước nối trọn vẹn những đêm bên bờ sông này.
Các chiến sĩ pháo binh sau một ngày dầu dãi với nắng mưa phương Nam, đêm về lại như được tiếp thêm sức mạnh từ nhân dân. Chúng tôi đến, nhẫn nại ngồi chờ những màn bắn pháo tập dượt. Chiều cuối tuần, dòng người đen kín bến Bạch Đằng, mãi tối muộn, vẫn chẳng ai chịu ra về dù màn pháo lễ tập dợt đã xong. Chúng tôi ngồi lại, cùng nhau hát với chiến sĩ. Hát vang cả một góc trời. Những bàn tay vẫy lên trong đêm. Những tiếng ca rộn ràng không gian. Thời gian như cũng trôi đi bất tận.
Sau đội pháo binh là phi đội trực thăng và những chiếc tiêm kích diễn tập trên bầu trời. Tôi nhớ buổi sáng đó, người dân đã túa ra đường để ngắm trong một sự thán phục như thế nào. Má tôi, người phụ nữ đã đi qua thời khói lửa của đất này, 50 năm trường mới nghe tiếng máy bay gầm rít như vậy. Nhưng, nửa thế kỷ trước, người Sài Gòn nghe tiếng máy bay là thấp thỏm trong lo sợ, chạy vội đi tìm chỗ trú. Bây giờ thì lại hứng khởi ngửa mặt lên trời để dõi theo. Hòa bình với má chính là khoảnh khắc này, yên tâm mà nghe máy bay lao vút trên bầu trời của TP Hồ Chí Minh.
Đâu đó trên bàn cà phê sáng của người Sài Gòn vào những ngày tháng tư này là câu chuyện của thống nhất. Ký ức cũ càng đan xen với thực tại của hôm nay. Trong chục triệu con người gá thân mình nơi siêu đô thị này là cũng ngần ấy câu chuyện về tháng tư. Có thể là từ chính trải nghiệm của những người ông, người bà đã không tiếc thanh xuân mình cho cuộc chiến nối liền non sông hơn nửa thế kỷ trước. Cũng có thể là một lớp người trẻ sinh ra khi nước nhà đã không còn giới tuyến, câu chuyện từ người thân trong gia đình mặc nhiên được kể lại bởi đó là trang sử hào hùng của dân tộc. Họ có thể đến từ mọi miền Tổ quốc, nhưng thời điểm tháng tư thiêng liêng này, họ có chung một câu chuyện. Câu chuyện dài như đất nước. Câu chuyện đầy bất khuất. Và câu chuyện nối thêm niềm khấp khởi cho một kỳ đại lễ đang chờ đón họ.
Người Sài Gòn đã nép vào hai bên đường để cho đoàn xe chở các khối diễu binh tiến vào khu trung tâm, dẫu đó là giờ tan tầm đông đúc. Không ai nói với ai, tự khắc mọi người vẫy tay chào các chiến sĩ. Chiều đó, tôi cũng kẹt lại ngay góc đường Nguyễn Thị Minh Khai và Cách mạng Tháng Tám, góc đường đông đúc nhưng lại trật tự đứng đợi. Hàng dọc dài xe cứ kiên nhẫn chờ. Bởi sự chờ đợi hôm nay của chúng tôi, đôi khi chỉ 1 tiếng, 2 tiếng, nhưng có những thế hệ chiến đấu ngày trước, chờ cả đời cũng chưa thấy được hòa bình.
Những buổi sơ duyệt diễu binh trên đoạn đường Lê Duẩn từ phía Thảo Cầm Viên tiến về Dinh Độc lập luôn chật kín người ngồi đợi. Từ buổi sơ duyệt đầu tiên, tôi biết mảnh đất này đã chính thức bắt đầu một mùa lễ hội. Lễ hội của lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Cứ nhìn muôn ngàn người ngay ngắn xếp hàng hai bên đường. Họ đến với áo đỏ sao vàng, với lá cờ trên tay và những tiếng hát như tiếp thêm sức mạnh cho những khối diễu binh. Phố sáng đèn. Phố đông người. Phố rộn vang hai tiếng Việt Nam.
Có một đêm sơ duyệt, trời đổ cơn mưa lớn, hàng ngàn chiến sĩ vẫn nghiêm trang đứng tập luyện và cũng ngần ấy con người Sài Gòn đội mưa hai bên đường đứng cùng. Họ chẳng tản ra, họ chẳng bỏ về. Họ đồng lòng cùng chiến sĩ. Họ hát vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Khắc giây đó, tôi tin, người Việt Nam mình là một khối đoàn kết nhất tâm vững vàng. Một đất nước có được sự chung vai sát cánh giữa quân và dân như vậy, đó là một đất nước mạnh mẽ mà không có bất cứ một thế lực nào, thứ vũ khí tối tân nào có thể chia cắt được. Điều đó minh chứng cho những cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta đều thu về thắng lợi. Đêm đó, tôi đứng ngay góc đường Lê Duẩn giao với Nguyễn Bỉnh Khiêm mà nghe môi mình mằn mặn, mà nước mưa làm gì có vị mặn.
Người dân TP Hồ Chí Minh nô nức xem sơ duyệt diễu binh.
Trước ngày tổng duyệt, từ chiều tối mọi người đã ra bốn ngã đường mà các khối sẽ đi ngang qua để ngồi đợi. Càng về khuya, hầu như 20 tuyến đường đã không còn có thể chen chân. Tôi may mắn có mặt trong ngày tổng duyệt của chương trình diễu binh. Dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng mới hơn 3 giờ sáng khi tiến vào chốt kiểm tra đầu tiên ở góc đường Phạm Ngọc Thạch thì hai bên đường người đông như trẩy hội.
Qua mỗi ngã tư đường để tiến gần vào các chốt kiểm soát, tôi càng giật mình bởi một lượng người đông đảo trật tự ngồi đợi. Chính họ, bằng chiếc áo đỏ đã nhuộm hàng dài phố xá. Môi họ vẫn nở nụ cười, tay vẫn vẫy cờ dù cả đêm dài đã thức trong đợi chờ. Nhưng, không một nét mặt nào mệt mỏi. Chính tình yêu lớn lao với đất nước và nỗi mong chờ một màn diễu binh oai hùng đã khiến sức lực họ trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Mới 5h30 sáng, cả khu khán đài đã không còn chỗ trống. Những khối diễu binh ngang qua, tiếng hô vang của chiến sĩ cùng tiếng hòa thanh của mọi người lồng lộng giữa bầu trời khiến chính tôi lâng lâng một cảm giác khó tả. Đất nước mình đây, 50 năm vẫn vẹn nguyên một tình yêu son sắc với non sông, vẫn tươi thắm một màu gấm vóc.
Nhưng, có lẽ, để lại trong ấn tượng của không chỉ trăm triệu dân Việt mà còn bè bạn khắp năm châu bốn biển chính là một tình yêu nước mãnh liệt nhất của người dân Việt Nam vào ngay buổi sáng ngày 30/4. Đúng 7 giờ sáng, tiếng “Chào cờ, chào!” vang lên theo hiệu lệnh của người điều khiển chương trình thì nhất tề người dân Việt đang hiện diện ở TP Hồ Chí Minh thời khắc đó, dù trên khán đài, hay những ngã ba, ngã tư đường phố đều đứng lên, nghiêm ngắn và đồng thanh hát.
Tôi chưa bao giờ nghe bài hát Quốc ca của nước mình vang vọng hùng dũng đến vậy. Thanh âm ấy như triệu con sóng vỗ lên lớp lớp người đang trào dâng lòng yêu nước. Thanh âm ấy, vụt bay lên, hòa cùng tiếng đại bác dội vào lòng Bạch Đằng hào khí muôn đời dân nước Nam. Thanh âm ấy, sẽ là thứ mà mãi muôn đời, những người có mặt ở TP Hồ Chí Minh ngày ấy không bao giờ quên.
Đất nước này, đất nước của những con người hiên ngang, bất khuất đi qua những thăng trầm của chiến cuộc để hôm nay rực rỡ sự vinh quang. Đất nước này, đất nước của những con người đã nằm xuống để hòa bình thắm xanh một dải non sông đời đời. Đất nước này, đất nước của trăm triệu con người chung một nhịp tim, chung một lòng yêu, chung một khát vọng và chung một hướng nhìn về tương lai. Tôi đứng đây, thời khắc ấy, nhìn những cánh chim bồ câu đã bay lên giữa bầu trời bao la rộng lớn, và thấy hòa bình đẹp quá, Tổ quốc mình đẹp quá! Nét đẹp mà không ngôn từ nào có thể diễn tả.
Đoàn diễu binh đã đi những bước chân vào lòng nhân dân. Họ đã nắm những bàn tay để nối liền Bắc - Trung - Nam trong sự sum vầy nồng nàn hơn bao giờ hết. Họ đã nhảy múa và hát cùng nhân dân để thấy cội nguồn chung một dòng máu rạng ngời qua ánh mắt chứa chan, qua nụ cười bừng sáng lên những yêu thương. Họ đã đến và đi, nhưng thứ họ để lại là một ký ức cho muôn triệu đồng bào miền Nam, trăm triệu người Việt và hơn nữa là một sự thán phục từ những du khách quốc tế có mặt ở TP Hồ Chí Minh trong những ngày tháng tư đỏ rực này. Tháng tư này, chính họ đã thắp lên những đêm hòa bình lung linh trên đất nước Việt Nam.
Tống Phước Bảo