Lục Ngạn nổi tiếng với đặc sản vải thiều, tuy nhiên nếu chỉ trông vào cây vải, thu nhập của người dân vẫn bấp bênh theo mùa vụ và thị trường tiêu thụ. Chính vì thế, huyện đã chủ trương thúc đẩy chuyển đổi sản xuất theo hướng đa dạng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển kinh tế tập thể và nông nghiệp hữu cơ.
Làm chủ chuỗi giá trị
Những cách làm sáng tạo của các HTX tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Trồng trọt và Dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, HTX Sản xuất và Tiêu thụ Nông sản An Phát... đã thắp lên những ngọn lửa mới trong phong trào làm kinh tế ở địa phương.
Một trong những mô hình nổi bật là HTX Nông nghiệp Hồng Xuân (xã Hồng Giang), chuyên sản xuất vải thiều và các loại cây ăn quả khác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Cây ăn trái là thế mạnh giúp HTX, nông dân Lục Ngạn thoát nghèo, làm giàu.
Với tầm nhìn dài hạn, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng nhà xưởng sơ chế, đóng gói và kho lạnh bảo quản sản phẩm. Nhờ đó, vải thiều của HTX không chỉ tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU...
Doanh thu của HTX hiện đạt trung bình 18-20 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng vào mùa thu hoạch. Ngoài vải thiều, HTX còn trồng thêm bưởi da xanh, cam lòng vàng, na dai... để mở rộng mùa vụ và tăng nguồn thu.
Không chỉ dừng lại ở sản xuất, HTX Hồng Xuân còn sáng tạo trong cách thức quảng bá sản phẩm. Đầu mùa vải, HTX phối hợp với các sàn thương mại điện tử tổ chức livestream bán hàng, giới thiệu tour trải nghiệm hái vải ngay tại vườn. Những hoạt động này vừa nâng cao giá trị nông sản, vừa quảng bá du lịch nông nghiệp Lục Ngạn, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực.
Không riêng gì cây vải, ở xã Thanh Hải, mô hình sản xuất của HTX Sản xuất và Tiêu thụ Nông sản An Phát cũng gây ấn tượng với việc mạnh dạn chuyển đổi 15 ha đất trồng cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng rau màu, dược liệu và cây ăn quả theo hướng hữu cơ.
Đa canh và sản xuất hữu cơ
Để nâng cao thu nhập, những năm qua, HTX An Phát đã chủ động đa dạng hóa sản phẩm. Mỗi cây trồng có ưu, nhược điểm riêng, vì vậy các thành viên HTX đã linh hoạt kết hợp nhiều loại cây sẽ giảm rủi ro, tận dụng tối đa tiềm năng đất đai.
Đáng chú ý, HTX An Phát đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, nhà màng sản xuất rau củ sạch, liên kết với siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng... Hiện nay, doanh thu của HTX đạt khoảng 12-15 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 70 lao động địa phương, mức lương trung bình 5,5-6 triệu đồng/người/tháng.
Một điểm sáng trong cách làm của An Phát là các thành viên tập trung đào tạo kỹ thuật canh tác hữu cơ, đồng thời đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Điều này giúp nông sản của HTX được nhận diện thương hiệu, giá bán cao hơn từ 20-30% so với sản phẩm thông thường.
Song song với đó, HTX còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất và bán hàng. Họ sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, thiết lập hệ thống bán hàng trực tuyến và giao hàng tận nơi cho khách hàng. Sự năng động, sáng tạo này đã giúp HTX An Phát từng bước xây dựng được thương hiệu riêng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Lục Ngạn đang thúc đẩy chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, mang lại giá trị bền vững cho người dân.
Có thể thấy, các HTX, tổ hợp tác đang khẳng định dấu ấn đậm nét trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Lục Ngạn.
Sự thành công trên có những đóng góp tích cực từ các chương trình hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang. Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ các HTX tại Lục Ngạn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Chẳng hạn, HTX Chợ Hà Trang, xã Biển Động, đã nhận được 6 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để đầu tư vào lĩnh vực vận tải, góp phần mở rộng hoạt động kinh doanh và tăng doanh thu.
Lan tỏa tinh thần làm giàu
Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0” tại Bắc Giang, trong đó có HTX Lục Ngạn Xanh. Các HTX tham gia được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý, xây dựng sản phẩm chất lượng và tiếp cận thị trường hiệu quả.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị kết nối, hỗ trợ các HTX quảng bá sản phẩm tại các điểm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, khu trưng bày, giới thiệu và hỗ trợ HTX tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền đã được khai trương tại TP Bắc Giang, tạo điều kiện cho các HTX tại Lục Ngạn giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng...
Bên cạnh HTX, Lục Ngạn còn chứng kiến sự nở rộ của nhiều mô hình sản xuất nhỏ lẻ nhưng sáng tạo và hiệu quả. Ví dụ như gia đình anh Hoàng Văn Bình (xã Tân Mộc) với mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán vải. Mô hình này không chỉ tận dụng tối đa tài nguyên đất đai mà còn nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích.
“Trước đây gia đình tôi chỉ có 2 ha trồng vải, thu nhập theo mùa vụ, năm được năm mất. Sau khi mạnh dạn nuôi thêm ong, thu nhập ổn định hơn hẳn, mỗi năm lãi thêm trên 200 triệu đồng”, anh Bình hồ hởi chia sẻ.
Theo thống kê của UBND huyện Lục Ngạn, đến cuối năm 2024, toàn huyện có hơn 150 mô hình sản xuất tiêu biểu, trong đó có gần 40 HTX hoạt động hiệu quả, doanh thu từ 3-20 tỷ đồng/năm. Các mô hình HTX, tổ hợp tác đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 3.000 lao động tại địa phương, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nâng cao.
“Chúng tôi luôn coi phát triển kinh tế hợp tác, HTX là chìa khóa để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX về vốn, đất đai, đào tạo nhân lực và xúc tiến thương mại, nhằm nhân rộng các mô hình sản xuất giỏi, góp phần xây dựng Lục Ngạn trở thành trung tâm nông sản chất lượng cao của khu vực”, lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn khẳng định.
An Chi