Nghệ nhân làng Kép bên khung dệt
Từng sợi chỉ, từng đường dệt không đơn thuần là nghệ thuật - đó là bản sắc, là ký ức tổ tiên được gìn giữ và nối tiếp qua bàn tay khéo léo của những người mẹ, người chị nơi đại ngàn.
Ngược về huyện Chư Păh, tại làng Kép (xã Ia Mơ Nông), tiếng khung dệt đã trở lại từ năm 2019, vang vọng bên những mái nhà rông. Cứ thế, nghề dệt thổ cẩm, từng có lúc tưởng chừng mai một, đang hồi sinh mạnh mẽ từ chính trái tim cộng đồng.
Như một sợi dây gắn kết văn hóa giữa các thế hệ, thổ cẩm nay đã trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình và du lịch. Mỗi tấm vải dệt ra mang theo câu chuyện của núi rừng, của sự kiên cường và tình yêu quê hương.
Đó cũng là cách để phụ nữ Jrai khẳng định vai trò và bản lĩnh trong sự đổi thay của buôn làng...
Đã từng mai một
Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành một phần máu thịt trong đời sống của người Jrai ở Tây Nguyên. Trong tâm thức cộng đồng, mỗi sợi chỉ là một mạch ngầm văn hóa, mỗi hoa văn là một trang sử sống động, kể về núi rừng, sông suối, lễ hội, phong tục và niềm tin gắn liền với linh hồn buôn làng.
Với người phụ nữ Jrai, dệt vải vừa kỹ năng, vừa là biểu tượng của sự khéo léo, đức tính đảm đang và trách nhiệm gìn giữ truyền thống. Bàn tay mẹ dạy con từng mũi dệt, khung cửi kẽo kẹt như ngân nga những bài học đầu đời.
Trên nền vải với ba màu chủ đạo đỏ - đen - trắng, hoa văn hiện lên bằng những hình khối giản dị mà đầy tính biểu tượng: Vuông, thoi, họa tiết chim muông, hoa lá… “Đó là cách chúng tôi gửi gắm tiếng nói của thiên nhiên và tâm hồn vào từng sợi chỉ”, một nghệ nhân ở làng Phung chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, nghề dệt còn gắn liền với những giá trị xã hội sâu sắc. Khi đến tuổi trưởng thành, mỗi cô gái Jrai đều phải biết dệt vải để chuẩn bị cho ngày về nhà chồng - từ quần áo, khăn choàng, túi địu trẻ…
Những tấm vải ấy vừa là sính lễ, vừa là minh chứng cho sự trưởng thành, là món quà chan chứa tình cảm của gia đình cô dâu gửi tới bên chồng.
Thế nhưng, dòng chảy hiện đại với sự xâm lấn của hàng hóa công nghiệp đang đẩy nghề dệt Jrai tới ngã rẽ đầy trăn trở. Những chiếc khăn thổ cẩm làm thủ công cần cả tuần để hoàn thành, trong khi thị trường tràn ngập sản phẩm may công nghiệp với giá rẻ hơn gấp nhiều lần.
Kinh tế khó khăn, thị trường tiêu thụ hạn chế, cùng với sự thay đổi trong lối sống khiến khung cửi dần vắng bóng trong mỗi nếp nhà. Thế hệ trẻ không còn mặn mà với khung dệt. “Tìm được người trẻ chịu ngồi dệt bây giờ khó như hái sao”, một nghệ nhân cao tuổi bùi ngùi thổ lộ.
Mỗi khung cửi ngừng hoạt động là một phần ký ức bị lãng quên. Mỗi nghệ nhân không còn đưa thoi là kho tàng tri thức dân gian dần mai một.
Đó không chỉ là sự biến mất của một nghề, mà là sự rạn nứt của mạch nguồn bản sắc. Và khi bản sắc phai nhòa, cội rễ cũng khó lòng vững chãi.
Nhưng trong khó khăn ấy, đã có ánh lửa được nhóm lên. Những mô hình CLB dệt thổ cẩm ở làng Phung, làng Kép, sự trở lại của tiếng khung dệt bên mái nhà rông - chính là niềm hy vọng.
Khi cộng đồng được khơi dậy ý thức giữ gìn và khi mỗi sản phẩm thổ cẩm được nhìn nhận như một giá trị văn hóa độc đáo - thì nghề dệt có thể hồi sinh. Không chỉ cứu một nghề, mà là gìn giữ cả một phần hồn cốt của người Jrai cho mai sau.
Hồi sinh từ tâm huyết cộng đồng
Trước thực trạng ấy, cộng đồng Jrai ở Gia Lai đã không ngừng nỗ lực để gìn giữ di sản. Tại làng Phung, CLB dệt thổ cẩm đã ra đời vào năm 2022, quy tụ hơn 20 phụ nữ tâm huyết, do nghệ nhân Rơ Lan Pel làm Chủ nhiệm.
Không gian nhà sàn được cải tạo thành phòng trưng bày, nơi các sản phẩm như áo, váy, khăn, túi được sắp đặt khéo léo bên khung dệt truyền thống. “Chúng tôi muốn tạo không gian để du khách không chỉ mua sản phẩm mà còn hiểu được giá trị văn hóa Jrai”, một thành viên CLB chia sẻ.
Ở làng Kép, nghề dệt được thổi hồn qua mô hình du lịch cộng đồng. Từ năm 2019, phụ nữ Jrai tại đây đã biến khung cửi thành điểm nhấn văn hóa, mời gọi du khách trải nghiệm, từ cách dâng chỉ đến tạo họa tiết.
Cùng với đó, các tour du lịch còn đưa khách đến với nhà rông, thác nước, những buổi trình diễn cồng chiêng, múa xoang…
“Chúng tôi muốn du khách cảm nhận được đầy đủ mọi nhịp sống Jrai”, chị H’Uyên Niê, Phó BQL du lịch cộng đồng làng Kép, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ia Mơ Nông cho biết.
Để hồi sinh làng nghề, các mẫu mã đã được làm mới để phù hợp với thị hiếu, từ túi xách nhỏ gọn đến khăn quàng thời trang, trong khi vẫn giữ nét đặc trưng Jrai.
Một số sản phẩm đã được đưa vào các cửa hàng trong tỉnh, thậm chí hướng tới thị trường quốc tế, thu hút sự chú ý của du khách từ Mỹ, Canada, Ấn Độ...
Dù vậy, nghề dệt vẫn chỉ được xem là nghề phụ, làm thêm sau giờ làm rẫy. Để tăng cường tiêu thụ, bà con bắt đầu sử dụng mạng xã hội như một kênh quảng bá hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân cũng sẵn sàng làm “người mẫu” hoặc “hướng dẫn viên du lịch”. Mỗi khi có đoàn đến, người thì hào hứng hướng dẫn khách ngồi vào khung dệt, se tơ, dệt vải; người thì biểu diễn cho du khách chụp ảnh hoặc chụp với khách.
Các thiếu nữ ở CLB dệt thổ cẩm đã góp phần làm sống động nghề dệt. Tại những buổi truyền dạy thu hút hàng chục học viên, họ đã trở thành cầu nối đưa văn hóa Jrai đến gần hơn với thế giới, biến di sản thành niềm tự hào và cơ hội kinh tế.
Sự ra đời của các CLB dệt thổ cẩm đã chứng minh rằng, khi cộng đồng chung tay, di sản có thể hồi sinh. Việc hợp tác với các nhà thiết kế hay doanh nghiệp để đưa thổ cẩm vào thời trang hiện đại, như từng được thực hiện ở làng Phung, là hướng đi đầy triển vọng.
Ngoài ra, việc xây dựng các tour du lịch văn hóa, như ở làng Kép, cần được nhân rộng để nghề dệt trở thành một phần không thể thiếu trong trải nghiệm Tây Nguyên.
Nghề dệt thổ cẩm Jrai hôm nay không còn là ký ức xưa cũ, mà đang từng ngày nhân rộng và phát triển nhờ vào đôi tay bền bỉ, trái tim yêu văn hóa và niềm tin vào tương lai tươi sáng.
Từ khung dệt mộc mạc giữa đại ngàn, những người phụ nữ Jrai đang viết tiếp câu chuyện văn hóa của dân tộc mình - nơi quá khứ và hiện tại cùng hòa nhịp trong từng sợi vải, từng hoa văn, từng nụ cười và từng ánh mắt.
HOÀNG HƯƠNG