Hơn 2 tỷ lượt nghe trên các nền tảng - một con số khiến cả giới yêu nhạc lẫn những người mang trong mình lòng tự hào dân tộc không khỏi ngỡ ngàng. "Viết tiếp câu chuyện hòa bình", sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một bài hát, trở thành hiện tượng văn hóa, thắp sáng tinh thần yêu nước trong cộng đồng.
Không ủy mị, không tô vẽ, ca khúc chọn cách chạm vào trái tim người nghe bằng những ca từ mộc mạc, giai điệu trẻ trung nhưng sâu sắc. Từ sân trường đến lễ đài, từ mạng xã hội đến từng buổi sinh hoạt cộng đồng, đâu đâu cũng vang lên giai điệu ấy như một lời nhắc nhở đầy tự hào: chúng ta đang viết tiếp câu chuyện của những người đã ngã xuống.
Ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chạm đến trái tim của nhiều người dân Việt Nam.
Từ cảm xúc cá nhân đến tiếng nói thế hệ
Chia sẻ về cảm hứng sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hình dung: "Tôi thấy một người trẻ, tay trái cầm quyển sử Việt, tay phải cầm trang vở trắng. Càng hiểu lịch sử, càng biết ơn hiện tại và thôi thúc viết tiếp những điều đẹp đẽ cho tương lai".
Theo anh, bài hát là sự dâng lên từ lòng biết ơn khi đứng trước đài tưởng niệm, những ngôi mộ vô danh, khi xem những thước phim tư liệu về Bác Hồ, về những người đi trước đã hy sinh vì nền độc lập.
"Viết tiếp câu chuyện hòa bình" không chỉ là một giai điệu tưởng nhớ mà còn là lời khẳng định: thế hệ hôm nay sẽ tiếp nối bằng học tập, lao động, cống hiến để đất nước thêm giàu đẹp, vững mạnh.
Từ bản nhạc khiêm nhường đến hiện tượng quốc dân
Ban đầu, ca khúc nhận được sự yêu mến từ những người yêu nhạc truyền thống. Bước ngoặt lớn diễn ra khi một bản remix 45 giây do producer Đức Tư thực hiện lan truyền mạnh mẽ trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội, thu hút hơn 1,5 tỷ lượt xem chỉ sau thời gian ngắn, đến hiện tại đã đạt mốc hơn 2 tỷ lượt nghe trên các nền tảng.
Sự kết hợp giữa giá trị truyền thống và cách tiếp cận hiện đại đã giúp bài hát nhanh chóng bứt phá, trở thành điểm chung cảm xúc cho hàng triệu người Việt ở mọi độ tuổi, mọi tầng lớp.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: "Đây không còn là một bài hit đơn thuần. Điều khiến tôi xúc động nhất là bài hát được đón nhận đồng đều từ trẻ nhỏ, thanh thiếu niên đến người lớn tuổi, từ y bác sĩ đến công nhân viên chức. Không phân biệt tuổi tác hay vị trí xã hội, âm nhạc đã kết nối tất cả".
Không chỉ dừng ở nền tảng số, "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" còn được lựa chọn trình diễn trang trọng trong Đại lễ 30/4 tại TP. Hồ Chí Minh - dấu ấn cho sự lan tỏa bền vững của một tác phẩm âm nhạc ý nghĩa.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Âm nhạc yêu nước: Giữ giá trị, đổi cách truyền tải
Trả lời câu hỏi làm thế nào để những bài hát yêu nước sống mãi trong lòng giới trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định: "Người sáng tác phải bắt nhịp với đời sống hiện đại. Không thể bó buộc rằng nhạc về đất nước phải cổ điển, phải theo một khuôn mẫu. Sự linh hoạt trong giai điệu, hòa âm sẽ giúp thông điệp yêu nước gần gũi hơn với thế hệ mới".
Chính tinh thần ấy đã khiến "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" không gói gọn trong những buổi lễ trang trọng mà sống động ngay giữa nhịp đời hiện đại, trong video diễu binh, trong những clip ngắn ghi lại khoảnh khắc thường ngày, trong mỗi lần lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời.
Lời nhắn gửi nhân ngày lịch sử
Khép lại buổi trò chuyện với Đài Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gửi tới thế hệ trẻ một lời nhắn giản dị mà đầy cảm hứng: "Hãy cùng nhau viết tiếp những câu chuyện đẹp cho quê hương. Hãy để ánh nắng chiếu rực rỡ trên lá cờ đỏ sao vàng, để mỗi chúng ta đều có thể tự hào thốt lên: Tôi là người Việt Nam".
"Viết tiếp câu chuyện hòa bình" không chỉ nhắc nhớ về những năm tháng gian lao, mà còn truyền đi một lời mời gọi: hãy bước tiếp, không phải bằng những khẩu hiệu hào nhoáng, mà bằng chính những việc làm tử tế mỗi ngày.
Khi một bài hát có thể khiến em bé mầm non lẩm nhẩm hát theo, khiến những người lính siết chặt tay đồng đội, khiến triệu trái tim người Việt cùng ngân vang một giai điệu, đó không còn là âm nhạc đơn thuần - đó là sức mạnh của ký ức được đánh thức, của tương lai được trao gửi.
Giữa dòng chảy hối hả của thời đại số, có một giai điệu vẫn ở lại, nhắc chúng ta về căn cốt bền vững nhất: Tổ quốc và trách nhiệm để viết tiếp câu chuyện của chính mình.
Võ Nam