Tháp tài chính 'treo' trên đất vàng: Lời hứa tỷ đô sau những hàng rào quây tôn 'trơ gan cùng tuế nguyệt'

Tháp tài chính 'treo' trên đất vàng: Lời hứa tỷ đô sau những hàng rào quây tôn 'trơ gan cùng tuế nguyệt'
5 giờ trướcBài gốc
Nằm ở vị trí đắc địa trên tuyến đường huyết mạch Trần Duy Hưng, khu đất rộng 13.000 m² tại số 220 từng được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng tài chính hiện đại của Thủ đô. Đây là khu đất được Tập đoàn Bảo Việt tiếp nhận từ năm 2005 để triển khai dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.800 tỷ đồng. Thế nhưng, sau 20 năm, nơi từng được quy hoạch là tòa nhà văn phòng hạng A, tiêu chuẩn quốc tế, vẫn chỉ là một khu đất trống bị quây tôn kín mít, phủ đầy cỏ dại và cây cối um tùm.
Khu đất vàng của dự án tháp tài chính IFT bị bỏ hoang nhiều năm nay
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, hiện trạng khu đất không khác gì một “khu rừng giữa lòng đô thị”. Bên trong hàng rào tôn là thảm thực vật mọc tự nhiên, cây cối cao vượt hàng rào, thậm chí che khuất cả biển báo giao thông ven đường. Một phần rất nhỏ của khu đất này được tận dụng làm trụ sở của Công ty cổ phần Đầu tư SCIC – Bảo Việt.
Hiện nay, khu đất rộng lớn này vẫn đang trong tình trạng bị bỏ hoang, không có dấu hiệu của việc triển khai dự án, gây lãng phí lớn về tài nguyên đất đai giữa một khu vực vốn được đánh giá là “mỗi mét vuông đất trị giá bằng cả cây vàng”.
Một phần rất nhỏ của khu đất được tận dụng làm trụ sở của SCIC – Bảo Việt
“Đất thì đẹp, mấy mặt tiền, lại gần trung tâm thương mại, gần cả Đại lộ Thăng Long mà cứ bỏ không bao nhiêu năm nay, tôi thấy rất lãng phí”, bà Nguyễn Bích Lan – một cư dân sống gần khu vực này bày tỏ sự tiếc nuối.
Khu đất tọa lạc bên cạnh Trung tâm mua sắm Big C Thăng Long, đối diện là tổ hợp Vinhomes D'Capitale và Vincom Center. Đây được xem là “tọa độ vàng” khi kết nối thuận tiện với các khu hành chính, thương mại trọng yếu của thành phố, đồng thời nằm gần các trục giao thông lớn như Đại lộ Thăng Long và đường Vành đai 3.
Vào năm 2013, dự án từng được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch với công trình cao 34 tầng, chiều cao tối đa 150m. Các khu chức năng chính dự kiến gồm văn phòng hạng A và trung tâm thương mại hiện đại. Trước đó, vào năm 2009, Tập đoàn Bảo Việt đã thành lập Công ty TNHH Bảo Việt – SCIC, sau đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư SCIC – Bảo Việt.
Tuy nhiên, những hồ sơ pháp lý và kế hoạch triển khai vẫn chỉ dừng lại trên giấy. Gần hai thập kỷ trôi qua, những gì người dân và thành phố nhận được vẫn chỉ là một khu đất trống, cỏ mọc um tùm, hàng rào tôn gỉ sét và một sự tiếc nuối kéo dài.
Cây cối trong khu đất mọc cao, vươn ra khỏi lớp tôn quây, che khuất biển báo giao thông
Không chỉ có tháp Tài chính Quốc tế IFT của Tập đoàn Bảo Việt bị bỏ hoang, “siêu dự án” tòa tháp đôi của một ngân hàng tại Hà Nội có vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng cũng trong tình trạng tương tự.
Từng được kỳ vọng là biểu tượng tài chính – ngân hàng mới của Việt Nam và Đông Nam Á, dự án tòa tháp đôi của một ngân hàng tại lô đất TM1 Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng (Hà Nội) đến nay vẫn là một công trình dang dở, phủ bụi thời gian. Được khởi công từ năm 2010, dự án sau hơn một thập kỷ vẫn chưa thể về đích, trở thành một trong những công trình lớn nhất bị “treo” giữa lòng Thủ đô.
Dự án xây dựng dở dang, nhiều hạng mục đang dần xuống cấp
Dự án có quy mô gần 30.000 m², với tổng mức đầu tư lên tới 10.267 tỷ đồng, gồm hai tòa tháp cao 68 tầng và 48 tầng. Hai tòa tháp này dự kiến được kết nối bởi khối đế 7 tầng, tích hợp trung tâm hội nghị, hội thảo, nhà hàng, quán cà phê và các tiện ích cao cấp khác.
Một cánh cổng dẫn vào dự án vẫn được mở
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, khu đất rộng lớn giờ đây chỉ có một phần công trình được xây dựng phần thô. Trong đó, tòa tháp 48 tầng đã phần nào thành hình, còn tòa 68 tầng mới chỉ hoàn thành phần khối đế, dừng lại lửng lơ giữa chừng. Trải qua nhiều năm phơi mưa nắng, nhiều hạng mục đã bắt đầu xuống cấp, sắt thép hoen gỉ, cỏ dại mọc đầy quanh chân công trình. Dự án từng là niềm tự hào khi khởi công, nay lại như một khối bê tông khổng lồ bị bỏ quên giữa Thủ đô. Không chỉ lãng phí nguồn lực, những khối bê tông bỏ dở như vậy cũng khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng ban đầu
Sự trì trệ của công trình này cũng khiến nhiều người dân quanh khu vực không khỏi ngán ngẩm. “Ngày nào cũng đi qua, nhìn thấy công trình to đùng mà bỏ không như thế, vừa lãng phí, vừa gây mất mỹ quan. Không hiểu vì sao nhiều năm như vậy lại không có tiến triển gì”, bà Nguyễn Thị Hồng (phường Phú Thượng) chia sẻ.
Mới đây, ngân hàng đã rao bán dự án này. Nhà băng cho biết đang tiến hành các thủ tục cần thiết để chuyển nhượng dự án tòa nhà trụ sở chính tại lô TM1, mời các nhà đầu tư có năng lực và tiềm lực tài chính tham gia đàm phán chuyển nhượng. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua dự án kéo dài đến hết ngày 25/7/2025.
Còn với dự án trụ sở mới của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tọa lạc tại số 52 Hàng Bài, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng này từng thông báo với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tháng 4/2025 rằng, dự án sẽ được khởi công ngay trong năm nay. Trước đó, tại ĐHCĐ SHB 2024, Chủ tịch HĐQT SHB cũng từng cho biết, trong năm 2024, ngân hàng này sẽ khởi công trụ sở tại đây.
Chưa có dấu hiệu thi công tại khu đất dự án trụ sở SHB mới
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, dù đã bước sang nửa cuối năm 2025, dự án vẫn chưa có dấu hiệu được triển khai. Khu đất “kim cương” với 3 mặt tiền đắt giá tiếp giáp các phố Hàng Bài, Lý Thường Kiệt và Vọng Đức, hiện vẫn được quây kín bởi những tấm bạt in hình ảnh thương hiệu SHB, không bóng dáng công trình, không tiếng động của thi công. Bên trong, một số khung sắt mái vòm dựng tạm từ trước vẫn tồn tại. Toàn bộ không gian trong và ngoài khu đất vẫn đang được tận dụng làm bãi gửi xe ô tô và xe máy.
Khu đất “kim cương” 3 mặt tiền (Hàng Bài, Lý Thường Kiệt và Vọng Đức) hiện vẫn được quây kín
Người dân và cả giới đầu tư đang chờ đợi một sự chuyển động thực sự tại khu đất kim cương này, không chỉ để thấy một công trình mới mọc lên, mà còn để tin vào những lời cam kết sẽ được thực thi một cách đúng hạn, đúng tầm như những gì lãnh đạo ngân hàng này từng công bố trước đó.
Trước thực trạng nhiều “đất vàng” bị chôn chân, giới chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần có các biện pháp mạnh tay hơn nhằm xử lý dứt điểm tình trạng quy hoạch treo, dự án chậm tiến độ. Một mặt, cần siết chặt khâu hậu kiểm sau khi giao đất, cấp phép đầu tư; mặt khác, nên cân nhắc thu hồi những khu đất bị bỏ hoang quá lâu, chuyển giao cho nhà đầu tư có năng lực thực sự để phát triển đúng tiềm năng, phù hợp với nhu cầu sử dụng đất ngày một gia tăng của đô thị.
Trong khi nhu cầu đất để phát triển hạ tầng xã hội, giao thông, giáo dục, nhà ở ngày càng cao, thì việc để những khu đất hàng nghìn mét vuông ở vị trí đắc địa rơi vào cảnh “đắp chiếu” suốt hàng chục năm là sự lãng phí lớn. Những “lời hứa” chỉ có ý nghĩa khi được cụ thể hóa bằng hành động và tiến độ rõ ràng.
Phùng Xuân
Nguồn Thị Trường Tài Chính : https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/thap-tai-chinh-treo-tren-dat-vang-loi-hua-ty-do-sau-nhung-hang-rao-quay-ton-tro-gan-cung-tue-nguyet-146886.html