Người dân xã Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) phân loại cau đã sấy khô.
Làng nghề trồng và chế biến cau tại xã Cao Nhân có hơn 1.100 hộ trồng cau trên tổng diện tích khoảng 65ha với hơn 124.000 cây cau trưởng thành, hàng trăm nghìn cây cau ươm, cau giống… Cau là một trong nguồn thu nhập chính, làm giàu cho người dân địa phương.
Năm nay, giá cau tươi lên xuống thất thường khiến nông dân lo lắng, mất ăn, mất ngủ. Vào khoảng tháng 10, 11 hàng năm, làng Cao Nhân bước vào vụ sấy cau. Chính vụ, các phương tiện nối đuôi nhau chở cau tươi từ khắp nơi về giao bán tại các xưởng thu mua, sơ chế và sấy cau khô. Nhưng khoảng chục ngày nay, khung cảnh này không còn nữa.
Gia đình bà Hoàng Thị Vụ (thôn 9, xã Cao Nhân) có khoảng 300 cây cau đang trong giai đoạn vào quả, dự kiến sẽ được thu hoạch vào dịp tháng Giêng năm sau. “Trước đây, 1kg cau tươi có giá tương đương với 1kg sầu riêng. Một tạ cau có giá gần bằng 1 chỉ vàng. Nếu được chăm sóc tốt, 1 cây cau sẽ cho thu hoạch từ 2 - 4 buồng cau/vụ. Với giá bán lúc đạt đỉnh, chúng tôi sẽ thu lời lớn. Nhưng nếu lái buôn tiếp tục dừng thu mua cau, gia đình tôi coi như mất Tết” - bà Vụ nói.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Nhân cho biết, địa phương hiện có 37 xưởng chế biến cau khô xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động trong và ngoài xã với thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng. “Những năm được giá, chủ xưởng có thể thu tiền tỷ, nhưng nếu rớt giá, chủ xưởng lỗ nặng. Do đó, khi thấy giá cao lên cao, người dân cần thận trọng khi mở rộng chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cau” - ông Tiến cho biết.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng) cũng cho rằng, bài toán trước mắt cần giải quyết là tìm “đầu ra” ổn định cho sản phẩm cau sấy, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Hiện tại, hệ thống các xưởng sấy cau ở Cao Nhân vẫn nằm xen kẽ trong khu dân cư. Ảnh hưởng của các lò sấy cau và hoạt động mua bán cau đối với môi trường, an ninh ngày càng lớn. Đây là thách thức đặt ra không chỉ cho xã Cao Nhân mà cả huyện Thủy Nguyên và TP Hải Phòng về sự tồn tại và phát triển của một làng nghề cau lịch sử.
Năm 2007, xã Cao Nhân đã được UBND TP Hải Phòng công nhận là Làng nghề trồng và chế biến cau. Nhưng đến nay, làng nghề chưa được quy hoạch, vẫn chưa có Ban quản lý. Bà con kinh doanh theo kiểu tự phát, chưa nhận được chính sách đầu tư, hỗ trợ… Lãnh đạo xã Cao Nhân mong muốn được các cấp, các ngành tạo điều kiện về nguồn vốn vay lãi suất thấp cho các cơ sở sản xuất, chế biến cau có điều kiện phát triển và sớm có cơ chế, chính sách thuận lợi cho làng nghề, nhất là thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Phương Thanh