Ngay từ mùa đầu tiên, Squid Game đã xác lập vị thế không thể lung lay trong lịch sử Netflix, trở thành series thành công nhất mọi thời đại của nền tảng phát hành trực tuyến này. Loạt phim từ xứ sở kim chi thu hút tới hơn 265 triệu lượt xem trong vòng 28 ngày đầu tiên ra mắt, liên tục càn quét các bảng xếp hạng. Thành công ấy được nối dài ở mùa 2 khi đạt tới hơn 1,38 tỷ giờ xem, một lần nữa làm dậy sóng Netflix toàn cầu.
Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi Squid Game mùa 3 vừa "lên kệ" đã lập tức được săn đón. Chính thức công chiếu từ 27/6, phần phim đã nhanh chóng vươn lên thống trị bảng xếp hạng chương trình truyền hình của Netflix tại 93 quốc gia, theo thống kê của trang FlixPatrol. Với đà khởi đầu hoàn hảo, việc phim bứt phá và gặt hái thành tích khủng trong những ngày tới là điều gần như chắc chắn.
Trung thành với những công thức cũ
Nội dung Squid Game 3 tiếp nối các sự kiện của mùa trước, khi Gi Hun (Lee Jung Jae) quyết định từ bỏ cơ hội đoàn tụ với con gái tại Mỹ, quay lại lật đổ tổ chức điều hành những trò chơi sinh tử. Ở phần cuối cùng này, nhân vật tiếp tục trở thành người chơi chủ chốt trong loạt thử thách mới khốc liệt và tàn bạo hơn.
Trong khi, Front Man (Lee Byung Hun) sau khi gỡ bỏ lớp mặt nạ người chơi giả Oh Young Il, đã trở lại với vai trò thật sự, tiếp tục nhiệm vụ điều khiển cuộc chơi trong bóng tối. Ở diễn biến song song, anh chàng cảnh sát Hwang Jun Ho (Wi Ha Joon) vẫn cùng đồng đội ráo riết truy tìm tung tích hòn đảo bí ẩn, nơi loạt trò chơi được tổ chức.
Khác với những kỳ vọng về một làn gió mới, mùa cuối cùng Squid Game vẫn tiếp tục trung thành với lối kể chuyện quen thuộc, từng định hình tên tuổi cho thương hiệu. Phim mở đầu ngay sau cuộc bạo loạn đẫm máu ở cuối phần hai, khi giờ đây chỉ còn lại 60 người chơi sống sót, nâng tổng giải thưởng tăng vọt lên 39,6 tỷ won.
Lòng tham, bản năng sinh tồn và sự khốc liệt của trò chơi được đẩy cao ngay từ những phút giây đầu tiên. Phim vẫn đi theo công thức quen thuộc, khi đẩy người chơi vào những thử thách khó lường và ngày càng man rợ, bắt buộc họ phải tự đưa ra quyết định, giành giật cơ hội sống sót. Một điểm dễ nhận ra là cách dàn dựng các trò chơi ở mùa này được nâng cấp về mức độ tàn bạo, máu me, qua đó dễ dàng lột trần mảng tối đạo đức con người, phơi bày những suy nghĩ, toan tính sâu thẳm nhất trong họ.
6 tập phim của mùa 3 đã lên sóng.
Trò chơi đầu tiên mà dàn thí sinh phải vượt qua, trốn tìm, chính là ví dụ rõ ràng nhất. Không đơn thuần là một cuộc chơi ẩn nấp, lần này, ban tổ chức công khai khuyến khích các thí sinh... sát hại lẫn nhau. Đội đỏ được cấp vũ khí để săn lùng và tiêu diệt đội xanh, còn đội xanh buộc phải tìm đường trốn thoát hoặc chấp nhận cái chết. Chính sự đẩy cao yếu tố sinh tồn cực đoan đã khiến trò chơi tưởng chừng đơn giản lại trở nên đầy sức giằng co, khi bản năng và đạo đức của con người bị đem ra thử lửa.
Hay đơn giản như trò nhảy dây vượt cầu - vốn không quá phức tạp khi đòi hỏi sự khéo léo và bình tĩnh, đã được “nâng cấp” thành màn thanh trừng không khoan nhượng. Bên cạnh áp lực từ thời gian, mức độ tàn bạo của nó được đẩy lên cao trào khi những người tới trước nổi lòng tham, sẵn sàng ngáng chân những kẻ tới sau, với mục tiêu đê hèn: triệt hạ bớt đối thủ để tăng tiền thưởng. Công thức này thực chất không còn quá xa lạ, khi đã được khai thác ở cả hai phần trước.
Cao trào của mùa 3 dồn vào “Trò chơi con mực trên không”, thử thách dành cho 9 người chơi cuối cùng, bao gồm cả đứa trẻ sơ sinh mà Jun Hee sinh ra, hiện được Gi Hun chăm sóc sau khi mẹ qua đời. Dàn thí sinh phải đứng trên 3 tháp cao, tìm cách đẩy đối thủ rơi để giành quyền sống. Cứ đẩy được 1 người xuống, những kẻ còn lại được bước sang tháp tiếp theo. Cứ như vậy tới khi kết thúc trò chơi, tối thiểu 3 người phải nằm xuống. Nhưng tất nhiên, chẳng ai muốn mình là người chịu thiệt, dẫn tới những màn giằng co, đấu trí và lật lọng nhằm giành giật cơ hội chạm tay tới phần thưởng cuối cùng.
Dù công thức không thay đổi nhiều, Squid Game 3 vẫn biết cách duy trì nhịp phim căng thẳng bằng những màn đấu trí lực tàn bạo, nơi lòng tham, thói ích kỷ, nỗi sợ hãi, niềm vui và cả những khoảnh khắc nhân văn mong manh song hành, tạo nên một bức tranh sinh tồn khắc khoải, lại vừa dữ dội.
Tiết tấu phim được đẩy rất nhanh, với những thử thách sinh tồn kịch tính, dễ dàng níu chân sự chú ý của người xem theo từng tập.
Nỗi thất vọng
Sau mùa 2 với nhiều tranh cãi, "con gà đẻ trứng vàng" của Netflix được mong chờ, nhưng rốt cuộc lại tiếp tục nối dài chuỗi thất vọng. Vì lặp lại những motif cũ, Squid Game 3 bộc lộ không ít hạn chế trong cách triển khai câu chuyện vốn đang dần đi vào bế tắc. Thay vì tạo đột phá bằng cách hướng ống kính tới câu chuyện của những kẻ cầm quyền, tức tổ chức đứng sau loạt trò chơi sinh tử, phim lại tiếp tục sa vào vòng luẩn quẩn với những rắc rối quen thuộc của dàn thí sinh mờ mắt vì tiền.
Các thử thách mùa 3 bạo lực và máu me hơn.
Nam chính Gi Hun là ví dụ rõ ràng nhất cho sự lúng túng trong cách xây dựng hình tượng. Sau cú sốc từ công cuộc phản loạn thất bại ở mùa 2, khán giả trông chờ một sự chuyển biến rõ rệt nơi nhân vật, có thể là sang chấn tâm lý dẫn đến biến chất, hoặc trở nên gai góc, quyết liệt hơn trong việc theo đuổi lý tưởng triệt hạ cả tổ chức ngầm. Thế nhưng, biên kịch lại cứ giữ Gi Hun ở trạng thái lưng chừng đầy mâu thuẫn.
Nhân vật có nhiều suy nghĩ, hành động bị "lý tưởng hóa" một cách quá tay. Liên tục nỗ lực giảm thiểu số người chết, nhưng những gì mà anh thể hiện, điển hình như việc cầm đầu một nhóm thí sinh chống lại cả tổ chức - vốn thoạt nhìn đã biết không có phần thắng, tỏ ra rất ngớ ngẩn. Nhân vật mang số áo 456 cũng không có bất kỳ kế hoạch chi tiết nào để hiện thực hóa ý tưởng lật đổ những kẻ cầm quyền, chỉ đơn thuần thể hiện qua lời thoại.
Sự mâu thuẫn càng lộ rõ hơn ở những thử thách sinh tồn, khi Gi Hun mắc kẹt ở ranh giới tốt - xấu. Anh không đủ quyết liệt để vượt lên nghịch cảnh, lại thường xuyên buông những lời khuyên đạo đức sáo rỗng. Để rồi, cái kết cao cả mà biên kịch trao cho nhân vật không tạo được hiệu ứng cảm xúc, phần lớn vì hành trình nhân vật nửa vời, thiếu sự kết nối với khán giả.
Những tuyến phụ cũng bị khai thác khá hời hợt, nhiều tuyến nhân vật tiềm năng hoặc bị bỏ phí, hoặc xuất hiện cực kỳ thừa thãi. Điển hình là tuyến truyện của chàng cảnh sát Hwang Jun Ho, hay những khách mời VIP thuộc giới thượng lưu, tỏ ra hoàn toàn lạc lõng giữa tổng thể, có thể xóa bỏ mà không hề có bất kỳ ảnh hưởng gì.
Gi Hun ở mùa 3 gây ức chế nhiều hơn là đồng cảm.
Trong khi, một nhân vật tiềm năng như Cho Hyun Ju (Park Sung Hoon), với hành trình đầy ấn tượng từ mùa trước, lại phải nhận cái kết lãng xẹt và gượng ép. Không thể không nhắc đến cái chết của mẹ con Young Sik - Geum Ja, chi tiết gây tranh cãi bậc nhất những ngày qua. Việc bà mẹ già ra tay với con trai chỉ vì một cô gái mới quen tỏ ra xa rời thực tế. Trong khi, hành động gửi gắm đứa trẻ sơ sinh cho Gi Hun tạo cảm giác tốt bụng đến mức "phi thực tế”, làm mạch cảm xúc phim thiếu tự nhiên.
Điều khiến nhiều người xem ức chế là việc tác phẩm bỏ lửng, không giải quyết trọn vẹn vấn đề liên quan đến tổ chức đứng sau loạt game, vốn là điều mà cả hai mùa gần nhất hướng đến. Phim mắc kẹt giữa những lựa chọn nửa vời và nhiều tình tiết "thừa tính man rợ nhưng thiếu sức nặng cảm xúc", rốt cuộc khiến câu chuyện trôi qua mà khó để lại những thổn thức, suy ngẫm như cách mà mùa đầu tiên từng làm được.
Hoàng Nhi