Như Tài chính Doanh nghiệp trước đó thông tin, Công ty Cổ phần Tập đoàn Golden Gate (đơn vị sở hữu vận hành các chuỗi các nhà hàng quen thuộc với thực khách như: Lẩu nướng Gogi, Manwah, Kichi-Kichi, Sumo BBQ…) đã tiến hành cuộc giao dịch đặt cọc mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam.
Một trong chuỗi nhà hàng của Golden Gate.
Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam chính là pháp nhân vận hành chuỗi cà phê The Coffee House đình đám. Số tiền ghi đặt cọc ghi nhận được thời điểm này là 54 tỷ đồng.
Trước khả năng thâu tóm The Coffee House, Công ty Cổ phần Tập đoàn Golden Gate đang có bức tranh tài chính như thế nào là một điều đang được nhiều giới đầu tư quan tâm.
Để phác họa bức tranh kinh tế của doanh nghiệp này, TC Tài chính Doanh nghiệp xin mời bạn đọc cùng nhìn lại tổng thể nền tài chính của Tập đoàn Golden Gate.
Theo báo cáo tài chính năm 2024 của Tập đoàn Golden Gate, doanh nghiệp này có nguồn doanh thu khá khủng lên đến 6.634 tỷ đồng, không biến động lớn so với năm 2023 khi ghi nhận ở mức 6.290 tỷ đồng.
Qua đó, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ghi nhận ở mức 4.084 tỷ đồng, tăng nhẹn 121 tỷ đồng so với năm 2023. Tuy nhiên đáng chú ý, doanh nghiệp này có nguồn chi phí bán hàng khá lớn lên đến 3.462 tỷ đồng.
Chưa kể, doanh nghiệp này còn gánh thêm chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến 485 tỷ đồng. Điều này khiến cho lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp thu về vỏn vẹn 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Golden Gate còn bị âm đến 52 tỷ đồng.
Nhìn về cơ cấu vốn của doanh nghiệp, nguồn hình thành chiếm phần lớn của tổng nguồn vốn (3.597 tỷ đồng) của doanh nghiệp đến từ nợ ngắn hạn với 1.915 tỷ đồng và sau đó là vốn chủ sở hữu là 1.397 tỷ đồng.
Điều này cho thấy nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này đang lớn hơn vốn 1,3 lần. Trong 3 năm trở lại đây (2021, 2022, 2023), nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này có nhiều chuyển biến theo hướng tăng lên cụ thể: 1.090 tỷ đồng vào năm 2021; 1.522 tỷ đồng năm 2022; 1.364 năm 2023 và năm 2024 là 1.915 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hết năm 2024, doanh nghiệp này đang nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước đạt 56 tỷ đồng.
Cụ thể, thuế giá trị gia tăng là 23 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 30 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân là 2,4 tỷ đồng; các loại thuế khác là 609 triệu đồng.
Trong năm, thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, doanh nghiệp đã nộp lên đến 376 tỷ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng là 302 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 37 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân là 29 tỷ đồng, các loại thuế khác là 7,2 tỷ đồng.
Về Tập đoàn Golden Gate, doanh nghiệp này trước đây là Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng Vàng được thành lập vào năm 2008, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư vận hành chuỗi nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống.
Doanh nghiệp này có trụ sở chính tại số 60, phố Giang Văn Minh, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là ông Đào Thế Vinh (SN 1972).
Tập đoàn Golden Gate hiện đang có 11 công ty con với tỷ lệ sở hữu thấp nhất là 78% và cao nhất là 100%. Đồng thời, doanh nghiệp này đang có một công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu đạt 36%. Số lượng nhân viên của nhóm công ty lên đến 17.923 người.
Tính đến nay, doanh nghiệp này có vốn điều đạt 77,9 tỷ đồng, tương đương 7,7 triệu cổ phiếu (mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng), gồm nhiều tổ chức, cá nhân sở hữu cổ phiếu của Tập đoàn Golden Gate như: Công ty Cổ phần Golden Gate Partners với 2,3 triệu cổ phiếu; Công ty TNHH Seletar Investments với hơn 1,5 triệu cổ phiếu; SeaTown Private Capital Master Fund với 768.431 cổ phiếu; Công ty TNHH Periwinkle với 436.358 cổ phiếu.
Ông Đào Thế Vinh với 440.009 cổ phiếu; ông Trần Việt Trung 387.331 cổ phiếu; ông Nguyễn Xuân Trường với 849.629 cổ phiếu; còn lại của các cổ đông khác.
HĐQT của Tập đoàn Golden Gate gồm 6 người là: Chủ tịch Trần Việt Trung; Tổng giám đốc Đào Thế Vinh; Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Tường; ông Dickson Loo; ông Nguyễn Anh Vũ.
Phước Nguyên