'Thay áo mới' cho nông thôn mới

'Thay áo mới' cho nông thôn mới
3 giờ trướcBài gốc
Người dân xã Định Tăng (Yên Định) chăm sóc tuyến đường hoa.
Có mặt tại buổi lao động chăm sóc tuyến đường hoa, cây xanh của người dân xã Định Tăng (Yên Định), chúng tôi cảm nhận rất rõ không khí sôi nổi cùng tinh thần nhiệt tình của người dân nơi đây. Dù những ngày bận rộn, người dân vẫn tích cực tham gia các phong trào, dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, cắt cỏ, thu gom rác thải, túi nilon, chăm sóc hoa, cây xanh... trên các tuyến đường trục chính và đường trong khu dân cư. Được biết, sau khi lên kế hoạch, xã đã giao nhiệm vụ cho từng thành viên, các cấp hội chung tay thực hiện. Trong đó, trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền trên loa truyền thanh và các pano, áp phích nhằm vận động Nhân dân tham gia xây dựng tuyến đường hoa, cây cảnh. Đồng thời, đầu tư 150 chậu hoa, trồng mới 1,5km cây bóng mát ven đường, công sở và trường học.
Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Định Tăng Vũ Văn Đức, thì: “Sự hình thành những tuyến đường hoa đã làm thay đổi nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường, ý thức làm đẹp cảnh quan nông thôn ngày càng được nâng lên. Tại những nơi đã trồng hoa, cây xanh không còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi như trước. Nhiều con đường đã được khoác lên mình tấm áo hoa đầy sắc màu. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch nhân rộng diện tích các tuyến đường hoa, cây xanh; ưu tiên trồng các loại có màu sắc sặc sỡ, có sức sống tốt, phát triển nhanh, dễ trồng, dễ chăm sóc, thích ứng với thời tiết và hoa nở quanh năm”.
Tại xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa), qua tuyên truyền, vận động, Nhân dân trong xã đã chung sức, tự nguyện đóng góp chỉnh trang, bảo vệ môi trường, trồng hoa, cây xanh. Qua đó, không chỉ góp phần hình thành, tạo điểm nhấn cho những tuyến đường sạch đẹp; mà còn làm chuyển biến nhận thức của người dân trong việc góp phần giữ gìn môi trường, thể hiện rõ dấu ấn, duy trì và nâng cao các tiêu chí trong XDNTM. Theo đó, từ nguồn xã hội hóa, tranh thủ ngày chủ nhật, Nhân dân trong các thôn đã tham gia trồng hoa giấy, đầu tư làm khung tạo hình để hoa giấy leo và trồng khoảng 6km cây mắt ngọc trên tuyến đê tả sông Mã. Để duy trì và nhân rộng những tuyến đường hoa, sau khi trồng, các tuyến đường hoa được xã giao cụ thể cho từng chi hội phụ nữ thôn chịu trách nhiệm chăm sóc; các cấp hội tiếp tục duy trì và thực hiện một số phong trào như: Ngày thứ bảy xanh, ngày chủ nhật xanh; các hoạt động tổng vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, nơi công cộng; khơi thông cống rãnh...
Bên cạnh đó, để “thay áo mới” cho quê hương, xã Hoằng Xuân còn vận động từng hộ gia đình sắp xếp gọn gàng nhà ở, chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, chủ động đầu tư các chậu hoa, cây cảnh trang trí trước cổng nhà... Mô hình nhà sạch vườn đẹp, nhà sạch vườn mẫu cũng được nhân rộng trên địa bàn xã. Ông Lương Văn Toa ở thôn Hữu Khánh cho biết: “Tôi rất phấn khởi khi được cùng con, cháu tham gia góp sức xây dựng các tuyến đường hoa, cây cảnh, quét dọn vệ sinh môi trường. Trước hết là làm cho môi trường sống của chính bản thân, gia đình mình được xanh - sạch - đẹp; sau đó là góp phần thay đổi cảnh quan của quê hương”.
Hiện nay, phong trào xây dựng các tuyến đường hoa, cây cảnh đã được nhân rộng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh với những loại hoa mười giờ, hoa cúc cánh bướm, kim tiền thảo... Đây là những giống hoa có sức sống tốt, phát triển nhanh, màu sắc đẹp, dễ trồng, dễ chăm sóc, thích ứng với thời tiết và hoa nở quanh năm, phù hợp với cảnh quan ven đường. Tại nhiều địa phương, những con đường hoa sắc màu rực rỡ đã thay thế các con đường trước đây nhiều rác và cỏ dại, người dân phấn khởi, xắn tay vào tham gia trồng, chăm sóc đường hoa và dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Từ đó, có thể thấy, mô hình xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, hạn chế tình trạng vứt rác thải bừa bãi, không chỉ góp phần giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm, xây dựng nếp sống văn minh.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/thay-ao-moi-cho-nong-thon-moi-227846.htm