Cháu bé C.M.K. ở Quảng Ninh được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế Tiên Yên trong tình trạng khó thở nhẹ, một bên mũi có cảm giác khó chịu kèm theo chảy máu.
Sau khi thai thác tiền sử bệnh, các bác sĩ đã tiến hành nội soi mũi và phát hiện một con đỉa rừng nằm sâu trong hốc mũi bệnh nhi. Ê-kíp đã nhanh chóng thực hiện thủ thuật nội soi và gắp ra con đỉa dài khoảng 4-5 cm. Sau khi dị vật được lấy ra, bé K. không còn khó thở và tình trạng chảy máu cũng được cải thiện.
Đỉa rừng dài 5cm ký sinh trong mũi cháu bé.
Ngày 23/5, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, bác sĩ vừa thực hiện ca nội soi và gắp thành công con đỉa sống trong mũi anh H.V.T. (43 tuổi, trú xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh).
Qua nội soi, bác sĩ xác định có dị vật bên trong hốc mũi bệnh nhân là một con đỉa có kích thước khoảng 4cm, to bằng đầu đũa. Bệnh nhân được chỉ định gắp dị vật ra ngoài, rửa mũi và sát khuẩn.
Theo các bác sĩ, hiện tượng vắt, đỉa lọt vào và khu trú trong mũi được bắt gặp nhiều với những người dân sống vùng sâu, vùng xa có thói quen rửa mặt và uống nước suối. Qua đường miệng, vắt, đỉa sẽ lọt vào cơ thể, luồn lách vào các xoang hàm, xoang trán, xoang bướm (ở mũi) hoặc có thể xuống vùng họng, vùng thanh quản. Triệu chứng thường gặp là chảy máu mũi, ho ra máu, đau ngực, khó thở, đôi khi khàn tiếng.
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi rừng không nên rửa mặt hay uống nước ở khe suối. Khi cơ thể có biểu hiện bất thường, chảy máu không rõ nguyên nhân cần đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Trước đó, ông B.V.C. (45 tuổi) cũng đến khám trong tình trạng khó thở nhẹ, một bên mũi khó chịu và chảy máu. Qua nội soi, bác sĩ phát hiện con đỉa dài 7-8 cm nằm sâu trong hốc mũi. Sau khi gắp dị vật ra khỏi cơ thể bệnh nhân, triệu chứng đã cải thiện rõ rệt.
Chuyên gia khuyến cáo
Bác sĩ Lục Thành Huy, khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Y tế Tiên Yên, khuyến cáo người dân sống tại các khu vực rừng núi, ẩm ướt, nơi có nhiều đỉa và vắt cần đặc biệt lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày.
Cha mẹ nên tránh để trẻ tắm suối, ao hồ hoặc uống nước khe suối. Khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường như khó thở, chảy máu mũi hoặc ho kéo dài, cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, nội soi nhằm loại trừ khả năng có sinh vật ký sinh như đỉa hoặc vắt xâm nhập vào cơ thể.
Đỉa là loài động vật không xương sống, thường sinh sống ở các môi trường nước ngọt như ao, hồ, suối hoặc đất ẩm. Một số loài có khả năng ký sinh trên cơ thể động vật và con người để hút máu nuôi sống.
Với cấu tạo đặc biệt gồm hai giác bám ở đầu và đuôi, đỉa có thể bám chắc vào bề mặt vật chủ. Khi hút máu, chúng tiết ra một loại enzyme chống đông máu, khiến việc hút máu dễ dàng hơn. Nếu chui vào các khoang cơ thể như mũi, họng hoặc khí quản, đỉa không chỉ gây khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.
Trúc Chi (theo Znews, Tiền Phong)