Thay đổi cách ứng xử với động vật hoang dã

Thay đổi cách ứng xử với động vật hoang dã
4 giờ trướcBài gốc
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ÐVHD đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là do việc săn bắt, buôn bán, giết mổ các loài ÐVHD. Các nhà hàng, quán ăn vẫn còn buôn bán ÐVHD trái phép, với sự tiếp tay của các đầu nậu trong các hoạt động săn bắt ÐVHD và thu mua các sản phẩm săn bắt được. Bên cạnh đó, ý thức của một số người dân về bảo vệ các loài ÐVHD còn hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, chia sẻ: “Cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 đang diễn ra và đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng của các loài ÐVHD trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do nhu cầu tiêu thụ của con người, khi con người cho rằng một số động vật quý hiếm có thể làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nuôi làm cảnh hay đồ trang trí, từ đó dẫn tới các hoạt động săn bắt ÐVHD để buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt và tiêu thụ”.
Chủ các nhà hàng, quán ăn ký cam kết "Nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép".
Trước nguy cơ các loài ÐVHD tuyệt chủng, chính quyền và người dân tỉnh Cà Mau đã khởi động Chương trình "Nói không với sử dụng ÐVHD trái phép". “Chương trình này có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một thông điệp truyền thông mạnh mẽ, khẳng định sự quyết tâm, sự đồng hành của chính quyền địa phương, các ngành để bảo vệ hệ động vật rừng quý giá dựa trên những lợi ích thiết thực của việc bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn ÐVHD và tính cấp bách của việc triển khai thực hiện. Ðồng hành trong chỉ đạo, điều hành; đồng hành trong hỗ trợ phát triển kinh tế người dân những khu vực sâu, xa giáp rừng; đồng hành trong ngăn chặn xử lý vi phạm, đưa công tác truyền thông đến đông đảo các tầng lớp xã hội, để thay đổi ứng xử của chúng ta đối với các loài ÐVHD”, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chia sẻ.
Theo ông Hải, Chương trình "Nói không với sử dụng ÐVHD trái phép" mong muốn nhận được sự đồng tình ủng hộ và nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức, toàn thể Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ các loài ÐVHD nhằm chung tay góp sức bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Một cá thể tê tê Java quý hiếm được thả về Vườn Quốc gia U Minh Hạ. (Ảnh tư liệu)
Liên quan vấn đề bảo vệ ÐVHD, ông Bùi Công Quyền, Phó trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm, cho biết, sau 3 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm với các ngành liên quan, đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hành chính 9 vụ vi phạm, với 113 cá thể ÐVHD được thả về môi trường tự nhiên. Qua đó, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ vi phạm liên quan đến ÐVHD phải xử lý hình sự, không có điểm nóng về mua bán, vận chuyển ÐVHD trái pháp luật.
Nhiều cá thể rùa được Chi cục Kiểm lâm Cà Mau thả về môi trường tự nhiên, tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Ông Quách Văn Tường, Phó trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, chia sẻ, trong những năm qua, đơn vị thường xuyên tuyên truyền trong dân cư vùng đệm và người dân thực hiện cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ ÐVHD. Phối hợp với Trung tâm Bảo vệ ÐVHD tại Việt Nam tổ chức các buổi hội thảo, sinh hoạt cộng đồng về chủ đề bảo vệ rừng, bảo vệ ÐVHD. Ngoài ra, đơn vị còn thành lập Câu lạc bộ Xanh, với sự tham gia của các em học sinh tại các điểm trường vùng đệm, nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ ÐVHD và bảo vệ đa dạng sinh học.
“Công tác bảo vệ rừng, bảo vệ ÐVHD không thể dựa vào lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hay lực lượng kiểm lâm, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các ngành chức năng, tổ chức xã hội và cộng đồng. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát và cung cấp thông tin từ người dân. Ðối với các vụ việc vi phạm, phải được thực hiện kiên quyết và nghiêm minh; các vụ vi phạm có tính chất nghiêm trọng cần được đưa ra xét xử lưu động nhằm răn đe các hành vi vi phạm tương tự xảy ra”, ông Tường nhấn mạnh.
Trong bối cảnh tình trạng vi phạm bảo vệ ÐVHD còn phức tạp, việc các địa phương triển khai Chương trình "Nói không với sử dụng ÐVHD trái phép" là một trong những hành động thể hiện cam kết mạnh mẽ trong bảo tồn đa dạng sinh học và ÐVHD tại Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về mua bán và tiêu thụ ÐVHD trái quy định của pháp luật./.
Trung Ðỉnh
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/thay-doi-cach-ung-xu-voi-dong-vat-hoang-da-a37184.html