Thay đổi căn bản về đối tượng quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thay đổi căn bản về đối tượng quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
một ngày trướcBài gốc
Ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp, mức độ phù hợp. Ảnh minh họa
Tiếp tục chương trình Phiên họp 44, chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Quản lý dòng vốn nhà nước, không quản lý doanh nghiệp
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, sau khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đã được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu.
Về nội dung, dự thảo đã cơ bản kế thừa những quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn và bổ sung, hoàn thiện quy định để giải quyết bất cập, vướng mắc của Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2015 (Luật số 69).
Luật này phải thông thoáng hơn Luật số 69
Trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan cùng phối hợp để dự thảo đạt sự đồng thuận cao nhất, chỉ đưa ra Quốc hội những vấn đề lớn, trọng tâm để Quốc hội quyết. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ thì không đưa vào luật, để Chính phủ rộng quyền quyết định. “Quốc hội chỉ quy định khung, những vấn đề thuộc quyền của Quốc hội. Nếu quy định trong này, muốn sửa rất khó. Luật này phải thông thoáng hơn Luật số 69” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Đồng thời, dự thảo đã giảm bớt một số thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp... Theo báo cáo của Chính phủ, dự thảo Luật đã cắt giảm 7/24 (khoảng gần 30%) thủ tục, giảm chi phí, thời gian tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng bao gồm “người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên”. Quy định này đã bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở xuống theo đúng Kết luận số 4348/TB-TTKQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt, ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp, mức độ phù hợp, kể cả ở các doanh nghiệp vốn nhà nước chiếm tỷ lệ dưới 50% hoặc các doanh nghiệp mà doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư, góp vốn”.
Dự thảo Luật cũng kế thừa Luật số 69 về việc doanh nghiệp F1 quản lý doanh nghiệp F2 có vốn đầu tư của doanh nghiệp thông qua người đại diện phần vốn của doanh nghiệp. Dự thảo Luật cũng có nhiều quy định về quản lý doanh nghiệp F2. Tuy nhiên, không quy định đối tượng áp dụng gồm người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (doanh nghiệp F2).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, Thường trực Ủy ban thống nhất với cách tiếp cận này và cho rằng quy định như vậy là phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cường phân cấp, phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Về chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh hàng năm, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý, quy định hội đồng thành viên/chủ tịch công ty ban hành chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.
Quy định như trên, theo cơ quan thẩm tra, đã thay đổi căn bản so với Luật số 69, phân quyền cho doanh nghiệp ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm và kế hoạch kinh doanh hàng năm, tạo sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng chậm trễ trong phê duyệt chiến lược và kế hoạch hiện nay.
Bên cạnh đó, để tăng cường phân quyền và tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, dự thảo Luật quy định doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn.
Nỗ lực cải cách, tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, dự thảo Luật lần này đã thể hiện rõ hơn nỗ lực cải cách, tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quản lý hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nhấn mạnh quan điểm ủng hộ việc sửa đổi luật một cách căn bản, mạnh mẽ để phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm, làm rõ hơn các quy định về phạm vi điều chỉnh, cơ chế giám sát, vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đảm bảo khả thi, minh bạch, đồng bộ.
Đồng tình với các quy định thông thoáng, phân cấp mạnh mẽ hơn tại dự thảo Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đóng góp các ý kiến về chế độ tiền lương tại doanh nghiệp nhà nước, về quỹ đầu tư phát triển, về cơ chế quản lý doanh nghiệp F2…
Làm rõ thêm một số nội dung, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo luật lần này đã có những thay đổi căn bản so với dự thảo trước đây, với sự tham gia góp ý nhiều vòng của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước. Dù chưa toàn diện, nhưng dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thay đổi căn bản tại dự thảo này là đối tượng quản lý. Luật trước đây quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước tham gia; còn Luật này chỉ quản phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Với sự thay đổi chủ thể như vậy, các quy định đã được thông thoáng hơn.
Về doanh nghiệp F1, F2, sau nhiều lần thảo luận, Chính phủ đã quyết định chỉ quản lý doanh nghiệp F1, không quản lý đến doanh nghiệp F2. Với nhóm doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước, dự thảo quy định chỉ quản lý thông qua người đại diện vốn. "Nếu doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, người đại diện vốn có thể đề xuất tăng vốn; ngược lại, nếu kém hiệu quả, rủi ro, người đại diện có thể đề xuất giảm vốn" - Bộ trưởng cho hay.
Không quy định về hạn chế đầu tư ngoài ngành, nghề chính
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp không quy định về hoạt động đầu tư ngoài lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp không khuyến khích đầu tư, như trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định giao Chính phủ quy định các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư khác trong từng thời kỳ nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành.
Để hạn chế rủi ro, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ đề xuất bổ sung các trường hợp hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư.
Chẳng hạn như thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản; thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng; thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, trừ các doanh nghiệp có chức năng này….
Giải trình tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, quy định này nhằm tạo môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh đó, theo điều hành trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ ban hành các quy định về hạn chế phù hợp để tránh dàn trải, lãng phí trong hoạt động đầu tư ngoài ngành, tùy theo tình hình sản xuất kinh doanh, phát triển của đất nước. Do đó, đề nghị cho phép giữ như dự thảo để khai thác hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng lãng phí, thất thoát.
Hoàng Yến
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thay-doi-can-ban-ve-doi-tuong-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-174825-174825.html