Thay đổi chiến lược dân số, tạo nguồn nhân lực tương lai!

Thay đổi chiến lược dân số, tạo nguồn nhân lực tương lai!
một ngày trướcBài gốc
Sự khác biệt về mức sinh giữa các vùng miền cũng là một vấn đề. Mức sinh có xu hướng giảm ở các thành phố và đồng bằng sông Cửu Long, trong khi vẫn còn cao ở các khu vực khó khăn về kinh tế - xã hội như trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên.
Ảnh minh họa.
Các yếu tố khác như xu hướng kết hôn muộn cũng tác động đến mức sinh. Mức sinh giảm có thể dẫn đến thiếu hụt lao động, suy giảm kinh tế, và già hóa dân số nhanh. Giảm mức sinh còn có thể làm tăng gánh nặng cho quỹ bảo hiểm xã hội và có thể dẫn đến lãng phí hạ tầng xã hội.
Để giải quyết những thách thức này, các chính sách về dân số cần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới. Các địa phương đã và đang ban hành các chương trình, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, cũng như các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ hai con đối với các tập thể, cá nhân.
Theo các chuyên gia lĩnh vực Dân số- Phát triển, để chiến lược phát triển dân số thành công vào năm 2050, Việt Nam cần tập trung vào các chủ trương và giải pháp sau: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số, bao gồm cả việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số.
Đưa ra các chính sách khuyến khích và hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, đồng thời tạo điều kiện để mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có thể tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại và các dịch vụ hỗ trợ sinh sản.
Giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn. Tăng cường các chương trình chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, đặc biệt là cho phụ nữ mang thai, trẻ em và người cao tuổi. Phát triển và nâng cao hiệu quả của các dịch vụ dân số toàn diện, bao gồm tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản và tư vấn sức khỏe sinh sản.
Thúc đẩy các hoạt động thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe, nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về dân số và phát triển, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc duy trì mức sinh thay thế, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống các bệnh không lây nhiễm và các vấn đề liên quan đến dân số.
Thích ứng với già hóa dân số, trong đó cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bao gồm bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác, để đảm bảo cuộc sống cho người cao tuổi.
Phát triển các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở chăm sóc tập trung.
Xây dựng môi trường sống thân thiện với người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi được tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xây dựng và thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác để phân bổ dân số hợp lý, đảm bảo phát triển bền vững.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng, miền, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để giảm thiểu chênh lệch về mức sống và thu hút người dân ở lại địa phương.
Đảm bảo đủ nguồn lực tài chính cho công tác dân số, bao gồm ngân sách nhà nước và các nguồn vốn xã hội hóa. Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và các dịch vụ trong lĩnh vực dân số. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác dân số, bao gồm đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và các chuyên gia khác.
Chú trọng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp: Đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Hoàn thiện thể chế, chính sách, gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc và đảm bảo hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của người dân.
Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chú trọng nghiên cứu, cung cấp bằng chứng phục vụ hoạch định chính sách và tăng cường chia sẻ, phổ biến các nghiên cứu khoa học. Truyền thông và giáo dục tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
HUỲNH THANH
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/thay-doi-chien-luoc-dan-so-tao-nguon-nhan-luc-tuong-lai-128999.html