Thay đổi cơ chế và siết chặt quản lý

Thay đổi cơ chế và siết chặt quản lý
4 giờ trướcBài gốc
Vấn nạn sử dụng sai phép đất nông nghiệp
Những năm gần đây, công tác quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng - đô thị trên địa bàn Hà Nội luôn được các cấp chính quyền đặc biệt chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng sai phạm trong sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất nông nghiệp công ích vẫn diễn ra với chiều hướng phức tạp, khó lường, đặc biệt là ở các huyện ngoại thành.
Cưỡng chế công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
Theo số liệu tổng hợp báo cáo từ Sở TN&MT Hà Nội tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội diễn ra cuối tháng 12/2024, qua công tác thanh, kiểm tra của Sở TN&MT số lượng vi phạm thuộc lĩnh vực đất đai (đất nông nghiệp và đất công ích, đất công tại các quận huyện) trên địa bàn TP còn rất nhiều. Cụ thể, chỉ tính từ 1/1/2023 - 31/12/2023 đã xử lý, khắc phục được 2.596 trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp với diện tích 74,2579ha; nâng kết quả đã xử lý lên 38.524 trường hợp với diện tích đất vi phạm được khắc phục là 1.294,24ha, nhưng mới chỉ đạt 61,52% số trường hợp vi phạm phải được xử lý, khắc phục theo Kết luận thanh tra.
Bên cạnh đó, một số khu vực đất xâm canh bị lấn chiếm, sử dụng không phép, các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, phối hợp quản lý. Kết quả giám sát của Đoàn Giám sát HĐND TP cũng cho thấy số vi phạm về trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công xảy ra tại khu vực bãi sông, ngoài đê còn nhiều, nhưng việc xử lý chưa dứt điểm. Tổng hợp số liệu báo cáo vi phạm từ các quận, huyện là 390 trường hợp (bao gồm cả vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đê điều, hành lang thoát lũ) đã xử lý được 252 trường hợp, còn tồn 148 trường hợp.
Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại huyện Đông Anh, trong năm 2024, huyện đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn ghi nhận hiện trạng toàn bộ vi phạm trên đất, đặc biệt là tại các khu vực đất nông nghiệp công và đất bãi bồi ven sông; chỉ đạo các xã tiếp tục rà soát các ô đất nông nghiệp công trên địa bàn. Việc tổ chức xử lý vi phạm về đất đai và thu hồi để sử dụng thực hiện các dự án xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, cây xanh, bãi đỗ xe, sân bóng đá, kè ao…
Kết quả trong năm, toàn huyện đã xử lý vi phạm và thu hồi khoảng 60,7ha đất nông nghiệp công; phê duyệt chủ trương đầu tư 24 dự án để xây dựng các điểm sinh hoạt cộng đồng. Một số địa bàn vi phạm có tính chất nổi cộm như: xã Hải Bối, Đông Hội, Nam Hồng, Vân Hà, Tiên Dương, thị trấn Đông Anh... đã xử lý xong 633 trường hợp; ban hành 30 quyết định xử phạt, 212 quyết định khắc phục hậu quả và 127 quyết định cưỡng chế xử lý vi phạm. Ngoài ra, huyện cũng đã xử phạt 10 đối tượng với số tiền 512 triệu đồng, tịch thu 1.699m3 cát, 1 vỏ tàu thép, phương tiện thủy về hành vi vi phạm trong sử dụng bãi tập kết khoáng sản, vật liệu - phế thải xây dựng.
“Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự văn minh đô thị... trên địa bàn huyện vẫn còn một số bất cập, chưa kịp thời phát hiện các vi phạm, vẫn còn để tình trạng đổ trạc thải, vật liệu xây dựng chưa đúng quy định xảy ra. Huyện cũng thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này là do trách nhiệm trong thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức chưa cao, chưa bám sát địa bàn. Ý thức trách nhiệm, giữ gìn không gian, cảnh quan, vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho hay.
Quan trọng nhất là thay đổi phương thức tiếp cận đất đai
Theo đại diện lãnh đạo Sở TN&MT, thời gian qua các quận, huyện đã tích cực xây dựng tiến độ triển khai thực hiện với nguyên tắc không để phát sinh vi phạm mới liên quan đến đất đai, xây dựng tại khu vực ngoại thành, bãi sông và ngoài đê. Tuy nhiên, do vướng mắc về một số quy định của luật, nên các địa phương còn lúng túng, chậm trễ trong xử lý vi phạm. “Đơn cử như việc đất nông nghiệp công được chính quyền các địa phương giao cho tổ chức, cá nhân theo hình thức cho thuê để sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi có thời hạn, nhưng hết thời hạn cho thuê thì việc xác định các tài sản trên đất rất khó khăn, vì theo quy định thì những tài sản này không đủ căn cứ để bồi thường khi thu hồi đất...” - Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, theo luật sư Hoàng Văn Đạo (Hội Luật gia Việt Nam), những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian qua là do sự thiếu đồng bộ giữa Luật Đất đai năm 2013 với các luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới việc giao đất, cho thuê đất ở các địa phương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các địa phương nói chung và TP Hà Nội nói riêng chưa khai thác hiệu quả nguồn lực về đất để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
“Vấn đề quan trọng nhất là phải thay đổi được phương thức tiếp cận đất đai, chính những khó khăn trong tiếp cận đất đai đã khiến quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm và đang trở thành “rào cản” để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Dẫn đến việc nhiều nơi dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, gây lãng phí tài nguyên, hiệu quả sử dụng thấp và xảy ra nhiều khiếu nại, tố cáo rất phức tạp” - luật sư Hoàng Văn Đạo cho hay.
Đồng quan điểm, chuyên gia về quy hoạch đô thị - KTS Trần Tuấn Anh cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất nông nghiệp bên cạnh việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai sửa đổi (Luật Đất đai năm 2024), các cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt hơn công tác xử lý. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức trong việc tuân thủ pháp luật về sử dụng đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng.
Các chuyên gia đều cho rằng, thực trạng vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ở các huyện ngoại thành Hà Nội có 2 nguyên nhân chính, thứ nhất là do việc triển khai các quy định của pháp luật; thứ hai là do công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn yếu kém. Lãng phí nguồn tài nguyên đất đai không chỉ gây thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn có thể để lại những hậu quả không kém so với tham nhũng. Chính vì vậy các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải vào cuộc thật sự quyết liệt, nghiêm túc và không có vùng cấm đối với bất kể một sai phạm nào liên quan đến việc sử dụng đất sai mục đích này.
Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền TP Hà Nội cần đẩy mạnh phân quyền cho các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm tồn đọng. Trong đó xác định rõ hành vi: chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép (xây nhà, làm xưởng trên đất nông nghiệp); lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích theo quy hoạch hoặc bỏ hoang... để có căn cứ lập biên bản và áp dụng mức độ xử phạt. Bên cạnh đó, người dân cần tìm hiểu kỹ và tuân thủ các quy định pháp luật trước khi chuyển đổi hoặc sử dụng đất nông nghiệp.
Chuyên gia về quy hoạch đô thị - KTS Trần Tuấn Anh
Doãn Thành
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/thay-doi-co-che-va-siet-chat-quan-ly.html