Thay đổi diện mạo vùng quê nhờ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Thay đổi diện mạo vùng quê nhờ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
một ngày trướcBài gốc
Những con đường nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư khang trang.
Diện mạo nông thôn đổi mới, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đã giúp nhiều vùng nông thôn kết nối thuận lợi với vùng đô thị. Tổng số chiều dài đường xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa của toàn tỉnh đạt hơn 1.286,76km, chiếm 84,26%; tổng số chiều dài đường thôn, liên thôn đã được cứng hóa 1.216,54km, chiếm 64,91%.
Đến nay toàn tỉnh đã có mạng lưới điện quốc gia được phủ rộng khắp, mang ánh sáng đến từng hộ gia đình, tỷ lệ hộ dân có đăng ký trực tiếp; tỷ lệ người dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt khoảng 96%. Các trường học, trạm y tế được xây dựng mới hoặc nâng cấp, đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe của người dân. Hệ thống nước sạch được đầu tư, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh duy trì đạt 98,5%, nước sạch 44,61%.
Khánh thành tuyến đường điện thắp sáng tại thôn Bản Nhài, xã Bản Thi (Chợ Đồn).
Coi xây dựng nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ cấp thiết, nên mặc dù nhiều tiêu chí khó thực hiện, cần nguồn lực đầu tư lớn, song các địa phương vẫn quyết tâm tìm giải pháp để triển khai.
Trong đó, trọng tâm là tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân trong thực hiện các tiêu chí. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Phát huy lợi thế, gắn phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến với du lịch trải nghiệm…
Điển hình như xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn) năm 2023 cơ bản đạt 19/19 tiêu chí và đạt nông thôn mới nâng cao, đến nay xã đang tiếp tục duy trì và giữ vững các tiêu chí, bước tiếp tiến tới đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đoàn thanh niên xã Lục Bình (Bạch Thông) thu gom rác thải, vệ sinh môi trường.
Tại huyện Bạch Thông, bằng nhiều hình thức, cách làm hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại các xã, cụm xã, thu hút hàng nghìn lượt đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các thôn, tổ dân phố ở các xã Tân Tú, thị trấn Phủ Thông, Vi Hương, Lục Bình về xây dựng điểm và thu gom rác thải sinh hoạt bảo vệ môi trường ở khu dân cư.
Các mô hình tự quản khu dân cư được tiếp tục triển khai thực hiện, ngày một nhân rộng và nâng cao. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 170 mô hình tự quản, trong đó có 69 mô hình do MTTQ chủ trì; 101 mô hình phối hợp thực hiện. Xuất hiện nhiều gương điển hình vì lợi ích của cộng đồng tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông, làm nhà văn hóa thôn, sân thể thao, kênh mương thủy lợi.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên và Nhân dân đã huy động xã hội hóa từ các nguồn lực, đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động, gần 5 tỷ đồng tiền mặt, hiến trên 57.000m2 đất để xây dựng các công trình nông thôn.
Ông Lưu Văn Đức, thôn Nà Kha, xã Quang Thuận (Bạch Thông) chia sẻ: "Tôi rất vui mừng và biết ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư xây dựng nông thôn mới cho thôn, xã. Cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi rất nhiều, từ vật chất đến tinh thần được cải thiện đáng kể”.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân, các bản làng vùng cao của tỉnh Bắc Kạn đang từng ngày "thay da, đổi thịt" nhờ kết quả đem lại từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới./.
Bích Ngọc
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/thay-doi-dien-mao-vung-que-nho-chuong-trinh-mtqg-xay-dung-nong-thon-moi-post69856.html